Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 69,5% so với tháng 2/2024 và tăng 14,1% so với tháng 3/2023.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 3,54 tỷ USD, tăng 25,8% so với 3 tháng đầu năm 2023.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, riêng thị trường này đã chiếm tới 53,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 1,89 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 3/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 702,51 triệu USD, tăng 90% so với tháng 2/2024 và tăng 16,4% so với tháng 3/2023.
Bên cạnh đó là một số thị trường cũng đạt kim ngạch cao như: Nhật Bản đạt 422,22 triệu USD, chiếm 11,9%, giảm 1,5%; Trung Quốc đạt 482,18 triệu USD, chiếm 13,6%, tăng 28,9%; Hàn Quốc 177,21 triệu USD, chiếm 5%, giảm 14,7%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Đông Nam Á đạt 69,67 triệu USD, chiếm 2%, tăng 9,8%; Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 151,18 triệu USD, chiếm 4,3%, tăng 33,5%.
Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023.
Không chỉ các nước lớn, nhiều thị trường nhỏ cũng đang tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, trong đó có Lào.
Cụ thể, trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Lào với kim ngạch đạt 2,26 triệu USD, tăng 1.906% so với tháng trước và tăng 809% so với tháng 3 năm ngoái.
Tính cả quý 1, quốc gia nước láng giềng nhập khẩu tổng cộng hơn 2,72 triệu USD nhóm hàng trên, tăng 475% so với cùng kỳ năm 2023. Dù có mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các thị trường nhưng Lào chỉ chiếm 0,08% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu , Lào cũng là một trong những nhà cung cấp lớn gỗ vào Việt Nam. Các loại gỗ nhập khẩu từ Lào sang Việt Nam, gồm hương, gõ, thông, nghiến, tràm. Trong khi đó, các loại gỗ xẻ nhập khẩu chính gồm lim, bơ, giuỗi, gõ lau, căm xe, hương, cà te. Tất cả đều là những gỗ rừng tự nhiên có giá trị nhập khẩu lớn.
Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 trên thế giới, thứ hai tại châu Á và đứng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, có tới gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt hàng đồ gỗ của Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu , Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ , đồ nội thất bằng gỗ , đồ gỗ mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ .
Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý II và cả năm 2024.
Trong năm 2024, ngành gỗ của nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, trung bình mỗi quý cần bán gần 4,4 tỷ USD ra các thị trường nước ngoài .
Theo các chuyên gia, mặc dù tín hiệu trong đầu năm 2024 là khá lạc quan, nhưng theo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang đứng trước những khó khăn mới . Bởi nếu căng thẳng Biển Đỏ vẫn tiếp diễn thì giá cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao.