Ảnh minh họa.
Sáng ngày 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn, Hòa Phát kiến nghị: Chúng ta có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Ông cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.
Được biết, quặng sắt là một trong những loại khoáng sản quan trọng trong sản xuất gang luyện thép . Khoảng 95-98% lượng quặng sắt đã khai thác để sản xuất thép. Đặc biệt, với nền kinh tế đang phát triển, công nghiệp hóa như Việt Nam thì nhu cầu về nguồn nguyên liệu để thúc đẩy công nghiệp xây dựng, chế tạo là cực lớn.
Hiện Việt Nam có tổng trữ lượng quặng sắt đã được đánh giá và thăm dò khoảng 1,3 tỷ tấn. Trong đó, hai mỏ lớn nhất là quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Sa (Lào Cai) .
Mỏ Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960, nằm cách ven biển Hà Tĩnh khoảng 7 km. Theo khảo sát, trữ lượng của mỏ Thạch Khê có thể đạt được 544 triệu tấn. Không chỉ là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam, mà nó còn là mỏ sắt xây dựng lớn nhất Đông Nam Á, trữ lượng chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt Nam. Hàm lượng sắt trung bình cho toàn mỏ đạt 58%.
Dự án khai thác từng đi vào hoạt động với tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê được đánh giá có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Nếu khai thác hiệu quả, Chính phủ có thể thu về từ 15-20 tỷ USD tiền thuế, tạo nguồn lực lớn cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, từ 2011, dự án đã bị tạm dừng do 6 vấn đề lo ngại, tiềm ẩn rủi ro gồm: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; năng lực tài chính không đảm bảo.
Trong khi đó, mỏ Quý Sa có trữ lượng khai thác khoảng 121 triệu tấn, với hàm lượng sắt trung bình 52%, trải rộng trên 100 ha tại địa bàn xã Sơn Thủy, bờ phải sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai. Mỏ Quý Sa có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của cả ngành sắt thép xây dựng Việt Nam, cung cấp việc làm cho hơn 2.000 lao động, góp thêm phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Ngoài ra, trữ lượng quặng sắt Việt Nam còn được phân bổ rải rác ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng... hầu hết đều mang loại quặng magnetit. Trong đó, hàm lượng sắt tại các mỏ quặng thuộc tỉnh Cao Bằng là lớn nhất, trung bình 55-65%, lớn hơn cả so với hai mỏ Thạch Khê và Quý Sa.
Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng ở mức trung bình 34 triệu tấn, tuy nhiên nơi đây có khu công nghiệp khai thác và chế biến gang thép Thái Nguyên lớn nhất cả nước với công suất đạt hơn 1 triệu tấn thép mỗi năm.
Do nhu cầu sản xuất thép lớn mà khai thác chưa đủ nên nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất thép. Vì vậy, đa phần quặng sắt làm nguyên liệu sản xuất gang thép ở Việt Nam là nhập khẩu .
Theo Tổng cục Hải quan , trong năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 30 triệu tấn quặng và các loại khoáng sản, tương đương 2,85 tỷ USD, tăng 24,6% về lượng và tăng 20,5% về kim ngạch so với năm 2023. Đây là năm có sản lượng nhập khẩu cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.
Cũng chính vì phần lớn là quặng nhập khẩu cho nên giá sắt thép Việt Nam chịu ảnh hưởng biến động trực tiếp do giá quặng sắt thế giới và giá quặng từ Trung Quốc. Trong năm 2024, giá quặng sắt trên thế giới đã giảm tới 24%, nguyên nhân do khủng hoảng ngành bất động sản tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu tiêu thụ, trong khi các nhà khai thác tăng sản lượng xuất khẩu.
Bước sang 2025, tương lai của mặt hàng này vẫn không được khả quan. BMI, một cơ quan nghiên cứu thuộc Fitch Solutions, dự đoán rằng giá quặng sắt có khả năng giảm do nhu cầu của Trung Quốc suy yếu và các biện pháp bảo hộ thương mại chặt chẽ hơn sẽ hạn chế nhu cầu thị trường.
Có thể thấy, việc triển khai khai thác mỏ Thạch Khê như tỷ phú Trần Đình Long kiến nghị là để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành thép, tiết kiệm ngoại tệ, tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định. Với công nghệ hiện đại như hiện nay, việc khai thác có thể trở nên đơn giản hơn rất nhiều.