Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói và thảm của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt hơn 71,3 triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước đó. Tính chung cả năm 2023, nhóm hàng này đã thu về cho Việt Nam hơn 733,2 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm so với năm 2022 dần thu hẹp qua những tháng cuối năm cho thấy sự khởi sắc trong xuất khẩu .
Đây là mặt hàng chủ lực thuộc nhóm xuất khẩu của nông sản Việt Nam giúp nước ta trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Philippines.
Xét về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023. Trong tháng 12, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm sang Mỹ đã thu về hơn 27,3 triệu USD, tăng 26,3% so với tháng 12/2022. Tính chung 12 tháng, xuất khẩu sang Mỹ đạt 275 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 37,5%.
Xếp thứ 2 là thị trường Nhật Bản. Tháng 12, nước này nhập khẩu hơn 5 triệu USD, giảm 12,6% so với tháng 12/2022. Lũy kế 12 tháng, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm sang đất nước mặt trời mọc thu về hơn 71,3 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 9,7%.
Ấn Độ là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam ở lĩnh vực này khi thu về 38,2 triệu USD trong 12 tháng năm 2023, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 5,2%.
Nếu so với những mặt hàng xuất khẩu thu tỷ đô, xuất khẩu hàng mây, tre, cói của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Xuất phát từ các cộng đồng làng nghề nhỏ, mặt hàng này đã thu hút sự quan tâm và đánh giá cao từ các nhà thiết kế, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên toàn cầu.
Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: RCEP, CPTPP, EVFTA… mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam; nhất là những thị trường có nhu cầu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… vì văn hóa tiêu dùng các vật liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy của người dân ở những khu vực này.
Trong khi đó, nghề mây tre đan gần như bị xóa sổ ở các nước phát triển do không thể ứng dụng dây chuyền công nghiệp để cơ giới hóa. Đây là cơ hội vàng cho các làng nghề truyền thống Việt Nam.
Việt Nam có diện tích tre rất lớn, lên đến 1,5 triệu ha, phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước. Tài nguyên tre Việt Nam rất phong phú và đa dạng, với hàng trăm loài, trong đó một số loài kinh tế cao như: luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… Quảng Nam là tỉnh có trữ lượng mây có thể nói là lớn nhất trên cả nước.
Trong tháng 12, Trung Quốc cũng là một trong những nước tăng mạnh nhập khẩu sản phẩm mây tre cói của Việt Nam (gần 69%). Đáng chú ý, quốc gia này đang đẩy mạnh "hồi sinh" những rừng tre để thay thế cho nhựa.
Tre là một trong những loại cây phát triển nhanh nhất trong tự nhiên, có thể phát triển thành rừng sau chỉ 4 đến 6 năm, sau khi trồng có thể sử dụng bền vững. Việc chế biến sâu ở nông thôn có thể giúp nông dân trồng tre Trung Quốc tăng đáng kể lợi nhuận. Vì vậy, Trung Quốc không che giấu tham vọng muốn dẫn đầu toàn cầu về các sản phẩm mỹ nghệ tre.