Ngày 13/8/2024, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trích thông tin trong Báo cáo Khí hậu Toàn cầu mới nhất từ Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEI) cho biết, tháng 7 năm 2024 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận và là tháng thứ 14 liên tiếp có nhiệt độ phá kỷ lục toàn cầu kể từ khi các nhà khoa học theo dõi nhiệt độ từ năm 1850.
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS) của Mỹ dự đoán, hơn 3,5 tỷ người sẽ cần phải thích nghi với nhiệt độ cao hơn mức được coi là thoải mái đối với con người.
Với những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu, có những câu hỏi về việc liệu cây trồng của nhân loại có thể duy trì được qua những thay đổi về khí hậu/thời tiết lớn như vậy hay không.
Mặc dù có hơn 50.000 loại cây ăn được, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc ước tính rằng chỉ có 3 loại cây trồng - là lúa, ngô và lúa mì - cung cấp 60% lượng calo ăn được. Chúng là ngũ cốc chính của con người.
Trong khi đó, một nghiên cứu do NASA thực hiện dự đoán rằng năng suất cây ngô sẽ giảm 24% vào năm 2030 do nhiệt độ tăng.
Một mặt, biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất các loại cây lương thực chính của chúng ta, mặt khác, dân số thế giới ước tính sẽ tăng thêm 2 tỷ người trong 30 năm tới.
Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết là đa dạng hóa các nguồn lương thực của con người và xác định các loại cây trồng có thể thích nghi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho chúng ta.
Đây chính là lúc hạt kê - một loại ngũ cốc được định giá sẽ đạt 18,3 tỷ đô la vào năm 2030 trên thị trường toàn cầu - có mặt trong câu chuyện về an ninh lương thực.
Kê nổi tiếng với khả năng thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt, khiến chúng trở thành ứng cử viên lý tưởng để đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu của chúng ta trong tương lai.
Kê là một nhóm cây trồng hạt nhỏ thuộc họ cỏ Poaceae và đã được trồng ở châu Á và châu Phi cách đây hơn 4.000 năm.
Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NLM) gọi kê là "siêu thực thẩm". NLM cho biết, kê là loại cây trồng ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cực cao và tác dụng rất tích cực đến sức khỏe của con người cùng khả năng chống chịu với khí hậu, giữ vị trí nổi bật trong chuỗi canh tác trên toàn thế giới.
Nếu như trước đây, hạt kê phần lớn được trồng bởi những người nông dân tự cung tự cấp, thì trong những năm gần đây, nhận thức về lợi ích sức khỏe của hạt kê đã tăng lên ở cấp độ toàn cầu. Liên Hợp Quốc tuyên bố năm 2023 là Năm quốc tế về hạt kê để nâng cao nhận thức của mọi người về lợi ích sức khỏe và môi trường của các loại cây trồng này.
Theo các nhà khoa học , hạt kê là một "siêu phẩm" chứa rất nhiều dinh dưỡng. Kê là nguồn cung cấp carbohydrate (60-70%), chất xơ (10-12%), protein (6-9%) và khoáng chất (2-45%). Chúng cũng có hàm lượng canxi và polyphenol cao hơn so với các loại ngũ cốc chính. Ngoài ra, hạt kê không chứa gluten và có chỉ số đường huyết thấp.
Nhờ chứa nhiều dưỡng chất, kê được cho là có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe con người như rất tốt cho hệ thần kinh, ổn định đường huyết, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp kháng viêm, lợi tiểu và rất bổ máu nhờ có hàm lượng sắt khá cao. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể tiêu thụ chúng.
Cũng theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, hiện nay kê được trồng và tiêu thụ ở hơn 50 quốc gia trên toàn cầu. Kê là loại cây ngũ cốc quan trọng thứ 6 trên thế giới và đang được một phần ba dân số thế giới sử dụng tính đến năm 2023 [Năm 2023, dân số thế giới đạt hơn 8 tỷ người, điều này có nghĩa là khoảng 2,6 tỷ người đang dùng kê làm thực phẩm hàng ngày]. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương thống trị thị trường kê toàn cầu - Alliedmarketresearch cho biết.
Tại Việt Nam, kê được trồng ở những vùng có khí hậu khô nóng, hiếm mưa như vùng Tây Bắc và miền Trung. Có thể kể tên các tỉnh trồng kê ở nước ta như Lai Châu, Sơn La, Yên Bái đến Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị.
Theo Đài quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC), công cụ trực quan hóa dữ liệu hàng đầu thế giới dành cho dữ liệu thương mại quốc tế, vào năm 2022, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu kê lớn thứ 33 trên thế giới. Các thị trường nhập khẩu hạt kê tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2022 là Thổ Nhĩ Kỳ (240.000 USD), Nga (107.000 USD) và Mỹ (53.400 USD). Tổng thu từ xuất khẩu kê giai đoạn 2021-2022 lên đến hàng trăm triệu USD.
Ấn Độ là nước sản xuất kê lớn nhất thế giới với thị phần là 41%, tiếp theo là các nước châu Phi như Niger (11%) và Nigeria (7%).
Các loại cây ngũ cốc chính (lúa, lúa mì và ngô) đã được thuần hóa hàng ngàn năm trước và kể từ đó đã trải qua hàng trăm chu kỳ lai tạo và thích nghi để phát triển trong các hệ thống canh tác lý tưởng thường được bổ sung chất dinh dưỡng và nước. Kết quả là, chúng đã mất đi khả năng tự nhiên để chịu đựng sự khắc nghiệt của môi trường.
Không giống như 3 loại cây lương thực phổ biến, cây kê thích nghi với điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt. Chúng thường được trồng ở những vùng đất cằn cỗi cận biên với ít hoặc không có phân bón, lượng mưa hạn chế, không có hệ thống tưới tiêu và ít sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó, năng suất của cây kê tương đối thấp hơn, đổi lại, sức sống của chúng bền bỉ hơn.
Cây kê có nhiều cơ chế thích nghi khác nhau giúp chúng có thể sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, chẳng hạn như nhiệt độ cực cao, hạn hán và điều kiện đất xấu. Cây kê có rễ ăn sâu và vòng đời ngắn, cho phép chúng phát triển và tạo ra hạt khi điều kiện thích hợp.
Một số thích nghi khác được tìm thấy ở kê là chiều cao thấp, thành tế bào dày và diện tích lá nhỏ. Hầu hết các loại kê đều có tỷ lệ quang hợp được cải thiện, hiệu quả sử dụng nước tốt hơn và hiệu quả sử dụng nitơ tốt hơn so với các loại ngũ cốc chính.
Ngoài ra, kể từ thời điểm gieo hạt, kê có thể thu hoạch sau 12-14 tuần. Trong khi đó lúa và lúa mì phải mất 20-24 tuần.
Biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến an ninh lương thực; không có gì phải bàn cãi về thực tế đó. Mặc dù việc tăng năng suất các loại cây ngũ cốc chính là quan trọng, nhưng cũng rất quan trọng khi nhận ra rằng các loại cây trồng này không phù hợp để phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và khó lường.
Mối quan tâm ngày càng tăng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng như tính bền vững của môi trường đang tạo ra áp lực to lớn lên nhân loại về việc phân bổ và bảo tồn tài nguyên một cách hợp lý.
Do đó, chúng ta cần xem xét đa dạng hóa cây trồng và đưa vào các loài cây trồng có thể thích nghi với các điều kiện thay đổi, đồng thời có giá trị dinh dưỡng tương đương hoặc tốt hơn các loại ngũ cốc chính mà chúng ta đang quá phụ thuộc.
Tham khảo: Science, WEF, Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, OEC