Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 đạt hơn 487.000 tấn, trị giá hơn 139 triệu USD, tăng 13,8% về lượng và 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế trong quý 1/2025, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch 379,7 triệu USD, tăng 29,7% về khối lượng, nhưng giảm 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn liên tục giảm mạnh. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức 307,8 USD/tấn, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong quý 1, nước ta đã xuất sang Trung Quốc hơn 1,1 triệu tấn sắn với trị giá hơn 349 triệu USD, tăng mạnh 30% về lượng nhưng giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 301 USD/tấn, giảm 33%. Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, do nhu cầu tiêu thụ thấp, lượng tồn kho tại cảng Trung Quốc tăng cao, tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tại các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào lại dồi dào, khiến cho quốc gia tỷ dân này dễ dàng “ép giá” thu mua sắn với giá rẻ bèo.
Đứng sau lần lượt là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia.
Trong số các thị trường, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 2.283 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn , trị giá 832 nghìn USD, tăng mạnh 467% về lượng và tăng 337% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 365 USD/tấn, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan và trong 5 năm gần đây đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn , với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.
Để trợ lực ngành sắn , năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Bên cạnh đó, để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn , Cục xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường thế giới.