Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, Việt Nam xuất khẩu 268,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn , trị giá 134,77 triệu USD, tăng 0,2% về lượng, nhưng giảm 1,3% về trị giá so với tháng 10/2023; So với tháng 11/2022 giảm 9,6% về lượng, nhưng tăng 7,2% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,66 triệu tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 11/2023, giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu ở mức 501,2 USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 18,5% so với tháng 11/2022.
Trong tháng 11/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,09% về lượng và chiếm 92,59% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước.
Trong 11 tháng năm 2023, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất.
Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 11 đạt 1.007 tấn, trị giá 573 nghìn USD. Đây là tháng thứ 2 sản lượng sắn Nhật Bản thu mua đạt hơn 1.000 tấn. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, xứ sở anh đào chi 2,43 triệu USD để nhập 4.519 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn , tăng mạnh 668,5% về lượng và tăng 587,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 538 USD/tấn, giảm 10.6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Thái Lan với hơn 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tính đến nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm.
Tại Phú Yên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, niên vụ 2023/24 nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đã thu hoạch được 2.998/26.256ha sắn , ước năng suất đạt 21 tấn/ha. Sắn là cây trồng chủ lực trồng từ nhiều năm nay của nông dân các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hoà, Tuy An, Tây Hòa…
Tại Thanh Hóa, sắn là một trong ba loại cây trồng chủ lực của tỉnh, chỉ sau lúa và ngô. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn , với quy mô 600 tấn sản phẩm/ngày, theo đó nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cần tới 250.000- 300.000 tấn củ sắn tươi.
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 14.000ha sắn , với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn làm nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, nguồn nguyên liệu củ sắn tươi từ Lào bị cấm đưa về Việt Nam từ đầu tháng 12/2023 càng tăng thêm sự thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất khu vực miền Trung.
Từ thực tế này, đã gây ra sự cạnh tranh, đẩy giá thu mua củ sắn tươi giữa các nhà máy khu vực từ miền Trung trở ra phía Bắc tăng lên. Thêm vào đó, các nhà máy điều tiết giảm lượng tinh bột sắn đưa lên cửa khẩu, đã kìm lại đà giảm giá mặt hàng này. Tần suất khách hàng phía Trung Quốc hỏi mua hàng tăng lên, nhưng chấp nhận giá mua khá thấp.