Là một trong những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tôm hùm Alaska từ Mỹ, ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP HCM), cho biết sản lượng nhập khẩu hằng năm đều tăng bởi đây là nguồn hàng có chất lượng tốt, giá rẻ.
Kim ngạch ngày càng lớn
Theo ông Trần Văn Trường, năm 2019, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu tôm hùm từ Mỹ sang Trung Quốc giảm nên giá cũng giảm theo, nhờ đó lượng nhập về Việt Nam tăng mạnh. Một phần cũng do công tác xúc tiến thương mại của Mỹ rất tốt và DN Mỹ làm ăn uy tín nên DN Việt yên tâm nhập hàng.
"Giá tôm hùm Mỹ đang thấp nhất từ trước giờ. Tôm hùm sống loại 1,3-3 kg/con giá sỉ chỉ 750.000 đồng/kg, giá lẻ hơn 800.000 đồng/kg trong khi trước đó, giá sỉ thường ở mức 900.000 đồng tới 1 triệu đồng/kg. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, người dân hạn chế ăn uống tại nhà hàng, lượng tôm hùm cung cấp cho kênh này giảm xuống nhưng bù lại lượng khách mua lẻ về chế biến tại nhà lại tăng. Thời gian sắp tới, DN sẽ tiếp tục tìm kiếm những loại hải sản mới từ Mỹ để đưa về Việt Nam tiêu thụ" - ông Trường cho hay.
Các nhà máy thức ăn chăn nuôi đang tăng nhập khẩu nguyên liệu từ MỹẢnh: Nguyễn Hải
Trái cây cũng là một trong nhóm mặt hàng được Mỹ xuất khẩu mạnh sang Việt Nam. Đầu năm 2020, Việt Nam cấp phép thêm cho quả cam tươi Mỹ, nâng danh mục trái cây Mỹ được xuất khẩu chính ngạch sang nước ta lên 6 loại, gồm: anh đào (cherry), lê, táo, nho, việt quất và cam. Ông Phạm Thiện Hoàng, Giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang (chuyên nhập khẩu trái cây tươi), cho hay Mỹ còn có nhiều trái cây ngon được người Việt ưa chuộng như: mận, đào, dâu… vẫn chưa được phép nhập khẩu chính thức. Ngoài ra, trái cây Mỹ đang chịu thuế 20% nên giá thành còn cao, chưa mở rộng được đối tượng người tiêu dùng. "Nếu 2 bên có thỏa thuận đưa mức thuế về 0%, người Việt sẽ được ăn nhiều trái cây ngon của Mỹ hơn, cũng như tăng được xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường này" - ông Hoàng kiến nghị.
Tương tự, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ cũng là mặt hàng được nhiều DN Việt quan tâm. Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình (có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiều trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai), cho biết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm xuống còn 5.000 đồng/kg bắp nguyên liệu, 9.000 đồng/kg đậu nành nguyên liệu và 6.000 đồng/kg lúa mì. Nguyên nhân là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, DN đã tăng nhập nguyên liệu từ các nước châu Mỹ về để dự trữ, trong đó có Mỹ. Ngoài ra, do nguồn phụ gia nguyên liệu vốn được nhập từ Trung Quốc, nay bị gián đoạn nên nhiều nhà máy đang tìm nguồn cung khác để bù đắp và Mỹ có thể là một thị trường được nhắm tới.
Thống kê chung của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ năm 2019 đạt 14,36 tỉ USD, tăng 12,64% so với năm 2018. Trong đó, Việt Nam chi đến 4,85 tỉ USD để nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ nền kinh tế lớn nhất thế giới; tăng tới 59,14% so với năm trước. Một mặt hàng khác tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ là chất dẻo nguyên liệu với mức tăng 84,28%; kim ngạch gần 826,5 triệu USD…
Như vậy, dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tiếp tục được ghi nhận từ nhiều năm nhưng Mỹ hiện là một trong những thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất và đang có xu hướng tăng.
Cần nhiều chính sách thúc đẩy
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, góp ý Việt Nam cần tập trung cải thiện lĩnh vực đầu tư bởi đây là giải pháp quan trọng để rút ngắn khoảng cách thương mại với Mỹ, cũng là điều mà các DN Mỹ ở Việt Nam quan tâm, thúc đẩy. Bởi, nếu đầu tư Mỹ ở Việt Nam tăng cũng làm tăng nhập khẩu từ Mỹ, từ đó xóa dần sự chú ý của Mỹ tới vấn đề thâm hụt thương mại. Để làm được, Việt Nam cần xóa bỏ các rào cản phi thuế quan ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
"Các chính sách chống gian lận xuất xứ hàng hóa, nhất là nghi vấn Trung Quốc mượn Việt Nam để rửa xuất xứ, cần được đẩy mạnh, như gia tăng tuyên truyền trong các hiệp hội để giúp hoạt động đầu tư nước ngoài đi vào thực chất hơn và tránh các trừng phạt từ Mỹ" - ông Thành nói.
Mặt khác, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có tính ràng buộc cao và có chế tài xử lý sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho việc ban hành các quy định quản lý hành chính mâu thuẫn với các cam kết. Hiện, Chính phủ đang tích cực rà soát những văn bản quy phạm pháp luật loại này và loại bỏ chúng. "Chẳng hạn Nghị định 17/2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-3 sẽ chính thức loại bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu đã được quy định trong Nghị định 116/2017. Nghị định mới rất có lợi cho DN ôtô của Mỹ. Hoặc, khí gas hóa lỏng (LNG) của Mỹ là một ngành có ưu thế bởi chi phí sản xuất thấp và công nghệ mới có thể khiến hoạt động chuyển LNG từ dạng lỏng sang khí có thể tiến hành với chi phí thấp, bảo vệ môi trường. Các công ty ở Texas sẽ là đối tác tiềm năng nếu Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác này" - TS Phạm Sỹ Thành nêu một số dẫn chứng.
Nhìn chung, theo vị chuyên gia này, trong mối quan hệ thương mại với Mỹ, việc hoạch định chính sách cần xác định rõ việc thay đổi là vì lợi ích của Việt Nam chứ không phải vì sức ép của Mỹ hay vì thay đổi bên ngoài. Điều này cũng cần được thuyết minh để phía Mỹ hiểu rõ; đồng thời cũng giúp việc đàm phán và trao đổi với các đối tác lớn trở nên hiệu quả, mạch lạc và nhất quán hơn. Đặc biệt, cần theo đuổi một "rổ" chính sách trọn gói cả về thương mại, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh thay vì tiếp cận đơn lẻ theo cách "thủng đâu vá đấy". "Sự chủ động trong chính sách cần bắt nguồn từ việc hiểu cặn kẽ về nhu cầu phát triển của đất nước. Việt Nam cần hiểu mình muốn trở thành gì và làm thế nào để thực hiện điều đó. Do đó, việc tiếp theo cần làm là xác định các mục tiêu trung hạn (5 năm) thật rõ ràng, đi kèm với các chỉ tiêu có thể ước lượng được để đánh giá hiệu quả thực thi" - vị chuyên gia nói thêm.
Dư địa rất lớn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá quan hệ thương mại Việt - Mỹ có tính bổ trợ cho nhau. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử... Việt Nam muốn nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, nông sản nguyên liệu… từ Mỹ. Với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm trong những năm tới đây nếu không xảy ra các tình huống đặc biệt, với gần 100 triệu dân và thu nhập bình quân ngày càng tăng, Việt Nam có thể là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho DN Mỹ trên nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, viễn thông, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, năng lượng…
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng trở lại
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm cá tra xuất khẩu chỉ đạt 98,9 triệu USD, giảm 52,7% so với cùng kỳ năm 2019 do hầu hết các thị trường xuất khẩu đều giảm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn và ách tắc trong khâu vận chuyển, kho bãi. Sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc đã đưa Mỹ trở lại là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 18,1 triệu USD, chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra (thống kê đến tháng 1-2020).
VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tăng trong thời gian tới do tồn kho cá tra tại Mỹ đã hết trong khi nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng mạnh do tâm lý của người tiêu dùng tích trữ lương thực nhiều hơn để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Trước đó, vào cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ, tạo điều kiện cho cá tra Việt Nam tiếp cận và mở rộng xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Ng.Ánh