Điều đó có nghĩa đã hết thời gian để bàn về những dự báo cơ hội và thách thức của CPTPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam. Thay vào đó, “Việt Nam thời CPTPP” đang cần các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, của từng doanh nghiệp hành động để không bỏ sót bất cứ cơ hội đầu tư - kinh doanh dù nhỏ nhất ẩn bên trong những thuật ngữ mang tính hàn lâm và đa dạng vùng ảnh hưởng của các nội dung cam kết được ghi trong Hiệp định này.
Việt Nam thời CPTPP cũng đang cần các kế hoạch hành động cụ thể được công bố, với những bảng phân công nhiệm vụ, thời gian, trách nhiệm và nghĩa vụ của từng cơ quan hoạch định chính sách trong việc thực hiện cam kết với những nguyên tắc của một nền kinh tế mở theo những tiêu chí cao của một môi trường kinh tế lành mạnh.
Trên hết, chính vào thời điểm này, Việt Nam đang cần nhìn thấy sự bắt tay, chung sức một cách thực chất, có trách nhiệm của các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực rà soát, thay đổi hệ thống cơ chế, chính sách để thỏa mãn các yêu cầu trên diện rộng của CPTPP; nỗ lực cùng thay đổi để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Những thay đổi này sẽ tác động trực tiếp không chỉ tới khung khổ pháp lý sau đường biên giới của Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, mà quan trọng hơn, sẽ làm thay đổi tư duy, hành vi của từng cá thể trong nền kinh tế, từ đó tiếp tục đặt nền tảng vững chắc cho các nỗ lực cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam vẫn đang theo đuổi.
Phải nhắc lại kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản công bố đầu năm ngoái về tác động của CPTPP tới GDP của Việt Nam. Đó là dù không có thành viên Hoa Kỳ, CPTPP vẫn có thể giúp GDP Việt Nam tăng 1,1% từ các cam kết thuế quan, tăng 9,29% từ các cam kết phi thuế. Mức này cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến mang lại cho GDP của 12 thành viên tham gia TPP.
Đương nhiên, khi các nỗ lực cải cách từ những cam kết phi thuế quan được đẩy cao hơn, tạo môi trường chính sách, môi trường kinh doan thuận lợi cho doanh nghiệp, phần lợi ích mà Việt Nam hưởng được từ các cam kết thuế quan sẽ được đẩy cao hơn nữa, khỏa lấp những thiếu hụt khi Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP và quan trọng hơn, là tăng thêm cơ hội làm ăn kinh doanh với những thị trường khác.
Cho dù thế nào, cải cách, đổi mới vẫn phải bắt đầu từ nhu cầu tự thân của nền kinh tế, còn những tác động từ hội nhập, từ các hiệp định thương mại tự do chỉ là chất xúc tác để tiến trình đó nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Và câu hỏi Việt Nam thời CPTPP sẽ ra sao, có thể tạo dựng vị thế mới trên thị trường toàn cầu hay không, đang phụ thuộc vào những hành động cụ thể của các cơ quan hoạch định chính sách và của từng doanh nghiệp.
Tất nhiên, trong đó, Chính phủ vẫn phải là người cầm cờ.