Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, tính đến nay Việt Nam thực hiện hơn 30 cuộc điều tra về phòng vệ thương mại đối với nước ngoài, trong đó (bao gồm 21 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, sáu vụ việc tự vệ và 02 vụ việc chống lẩn tránh).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã áp dụng 17 biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang có hiệu lực, động thái này giúp bảo đảm môi trường thương mại công bằng, ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, các ngành đã và đang thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp).
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội kịp thời phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Cục PVTM, hiện hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài cũng ngày càng đối diện với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại. Năm 2024, có dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, gồm cả chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh.
Đến nay, đã có 272 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bao gồm: các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).
Tính riêng năm 2024, có 26 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta. Trong đó đứng đầu là Mỹ, Ấn Độ, Canada, Indonesia, (riêng Mỹ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra).
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 50 mặt hàng có nguy cao bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp được theo dõi biến động xuất khẩu.
Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ nhằm phối hợp với các đối tác, chủ động trước các cuộc điều tra phòng vệ thương mại thời gian tới.