Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 được WIPO công bố ngày 2/9, Việt Nam tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng năm 2020, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO, Viện INSEAD và Đại học Cornell phối hợp thực hiện.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí 42 trong bảng xếp hạng, tăng từ vị trí 71 vào năm 2014. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Cụ thể, Việt Nam đã tăng 9 bậc trong mục các sản phẩm sáng tạo; tăng 10 bậc với chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp; tăng 13 bậc trong chỉ số về số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật; tăng 13 bậc đối với năng lực hấp thụ tri thức; tiếp tục tăng 1 bậc trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Thụy Sĩ tiếp tục là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đổi mới nhất thế giới, theo sau là Thụy Điển, Hoa Kỳ, Anh và Hà Lan. Thụy Sĩ luôn đạt được điểm cao về số lượng bằng sáng chế, lực lượng lao động, các trường đại học, nhiều bài báo khoa học được xuất bản và hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
Báo cáo cũng cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động nặng nề đến đà phát triển mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới sáng tạo trên toàn cầu. Trong năm 2018, chi tiêu cho R&D (nghiên cứu và phát triển) đã tăng 5,2%, được coi là mức tăng tương đối lớn so với mức tăng GDP toàn cầu. Vốn mạo hiểm và tài sản trí tuệ (IP) đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Theo đó, tác động của sự thiếu hụt về tài chính trong công cuộc đổi mới sáng tạo là không đồng đều, khi các doanh nghiệp startup hiện đang trong giai đoạn đầu sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn.
Báo cáo nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy thay đổi trong nhiều lĩnh vực mới và truyền thống, điển hình như y tế, giáo dục, du lịch và bán lẻ. Đồng thời, trong những năm qua, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam là những nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng chỉ số GII, khi cả 4 quốc gia đều nằm trong top 50.
Tổng Giám đốc WIPO, ông Francis Gurry cho biết ông đánh giá cao vai trò của đổi mới sáng tạo trong công cuộc phục hồi nền kinh tế từng quốc gia nói riêng và thế giới nói chung, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi khía cạnh toàn cầu.