Năm 2018, Google và Temasek đã ví nền kinh tế số của Việt Nam như một con rồng chuyển mình, dự nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025.
Gần đây, Việt Nam cũng là mục tiêu của các công ty công nghệ lớn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vào Việt Nam, bao gồm Google (điện thoại thông minh Pixel) , Apple (AirPods) và Nintendo (Switch).
Nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là thị trường nóng ở Đông Nam Á. Theo báo cáo gần đây của Cento Ventures và ESP Capital có trụ sở tại Singapore, Việt Nam là hệ sinh thái tích cực thứ ba trong ASEAN-6, chỉ sau Singapore và Indonesia.
Dữ liệu được theo dõi bởi hai công ty đầu tư mạo hiểm chỉ ra Việt Nam đã giành được tổng cộng 246 triệu USD với 58 giao dịch trong nửa đầu năm nay, tăng từ 166 triệu USD được huy động trong nửa đầu năm 2018. Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm dự kiến sẽ đạt 800 triệu USD vào cuối năm 2019.
Lê Hoàng Uyên Vy, General Partner Quỹ đầu tư ESP Capital
Lê Hoàng Uyên Vy, General Partner của Quỹ đầu tư ESP Capital - Former CEO của VinEcom chỉ ra các yếu tố vĩ mô đã góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, lãi suất và lạm phát giảm, cũng như cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang trong thời kỳ nhân khẩu học thuận lợi, 60% dân số dưới 35 tuổi, sẽ là lực lượng nòng cốt của chuyển đổi số. Khoảng hai phần ba dân số đã sử dụng Internet thường xuyên và trong năm 2018, 72% dân số đã sở hữu điện thoại thông minh.
Bình Trần, General Partner của 500 Startups Vietnam cho biết: "Nếu bạn muốn khởi nghiệp ở một đất nước an toàn và năng động, thân thiện với người nước ngoài, tập trung nhiều nhân tài kỹ thuật với giá cả phải chăng, Việt Nam rất khó bị nơi khác đánh bại", ông nói.
Bình Trần, General Partner 500 Startups Vietnam
Chris Trần, nhà đầu tư công nghệ và lãnh đạo khu vực châu Á của North Ridge Partners đặc biệt quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao. "Cuộc chiến thương mại buộc mọi người phải tìm kiếm cơ hội bên ngoàiTrung Quốc", Chris Trần đánh giá: "Việt Nam đang đi đầu, vì nếu bạn không sản xuất ở Trung Quốc, cũng không có nhiều nơi trong khu vực mà bạn có thể lựa chọn".
Trong một bài đăng gần đây trên Medium, Liu Genping, partner của Vertex Ventures, đã nói về việc tổ chức F1 ở Việt Nam: "Việt Nam tăng trưởng mạnh, bất bình đẳng thấp và có tinh thần đầu tư mạnh mẽ". Ông quan tâm và tiết lộ với KrAsia rằng đang theo dõi một vài cơ hội và có thể sẽ sớm đầu tư.
Tựu chung lại, những yếu tố này làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nhân, nhà đầu tư, cũng như các tập đoàn. Với những tiến bộ mới, Việt Nam chuẩn bị đón nhận sự tăng trưởng bùng nổ ở tất cả các khía cạnh của ngành công nghệ.
Đầu năm nay, ví điện tử Momo đã thu được 100 triệu USD tài trợ cho Series C từ Warburg Pincus. Tập đoàn Topica Edtech đã nhận được 50 triệu USD trong khoản đầu tư Series D từ Tập đoàn Northstar. Gần đây nhất, VNPAY đã huy động được số tiền tài trợ kỷ lục 300 triệu USD từ SoftBank Nhật Bản và GIC của Singapore.
Các startup trong ngành bán lẻ và thanh toán lần lượt giành được tổng cộng 191 triệu USD và 150 triệu USD vào năm 2018 và nửa đầu năm 2019. ESP Capital lưu ý rằng startup thế hệ thứ ba của Việt Nam - những công ty thành lập từ năm 2015 trở đi, đã bắt đầu nghĩ về việc hoạt động trong khu vực từ rất sớm. Đó là điều khiến họ khác biệt so với các startup đời đầu.
Ví dụ, nền tảng Ecomobi, gần đây đã huy động vốn từ VinaCapital Ventures và ba nhà đầu tư Hàn Quốc đã chọn Indonesia là thị trường đầu tiên của công ty vào năm 2016, thay vì Việt Nam. Họ hợp tác với ba nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Indonesia là Tok Tokopedia, Shopee và Bukalapak. Sau này, họ mới mở rộng sang Việt Nam và Thái Lan vào năm 2018.
Michael Lints - Golden Gate Ventures
Michael Lints của Golden Gate Ventures cho biết, để hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam phát triển bền vững, đề nghị chính phủ nên chủ động khởi xướng các dự án quy mô nhỏ để làm việc với các startup, thử nghiệm cơ chế Sandbox để thúc đẩy đổi mới fintech.
Đào tạo doanh nhân cũng là chìa khóa để nuôi dưỡng tài năng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Chính phủ cũng đã cởi mở hơn về việc hỗ trợ đổi mới và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cũng đã tổ chức nhiều sự kiện để kết nối các bên liên quan trong hệ sinh thái.