Trong 8 tháng đầu năm, ASEAN vẫn nắm giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN trong giai đoạn này đạt 416,6 tỷ USD, hơn 16 tỷ USD so với đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc là EU.
Trong khi đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu, tăng trưởng thương mại hàng năm giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn đạt được mức 3,8%. Điều này đã thúc đẩy sự hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời thành lập mô hình phát triển "tuần hoàn kép".
Trong những năm gần đây, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã duy trì đà phát triển tốt. Vào năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, Hoa Kỳ và EU đã đứng đầu danh sách các đối tác thương mại của Trung Quốc trong một thời gian dài. Trong khi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ chiếm khoảng 60% thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ hay Trung Quốc - EU.
Vào năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng năm đó, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực. Trong năm thứ hai kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc, với thương mại lần đầu tiên đạt 80% so với thương mại Mỹ - Trung.
Sau khi Mỹ chính thức "khai hoả" chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2019, ASEAN đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.
Cụ thể, trong giai đoạn này, thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt 4,4 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong khi con số này giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3,7 nghìn tỷ nhân dân tệ. Nhập khẩu của Trung Quốc từ ASEAN cũng lần đầu tiên vượt EU. Đầu năm nay, ASEAN đã vượt qua EU, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Chuỗi giá trị giữa Trung Quốc và ASEAN đang ngày càng tăng nhanh. Hai bên đang hình thành mạng lưới và quan hệ cung cầu mới, đặc biệt trong ngành cơ điện, bao gồm vi mạch tích hợp (IC).
Trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu IC của Trung Quốc từ ASEAN đạt 226,8 tỷ nhân dân tệ, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu IC của Trung Quốc đạt 89,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động thương mại sôi động trong lĩnh vực vi mạch đã giúp tổng giá trị hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng 3,2%.
Đặc biệt, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 111,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 44,1 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 67 tỷ USD, tăng 8,9%.
Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay là 22,9 tỷ USD.
Như vậy, Việt Nam vẫn giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 trên thế giới của Trung Quốc, vượt qua Australia, và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Theo ông Zhong Feiteng, thành viên của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động trao đổi thương mại toàn cầu bị ngừng trệ, đây được đánh giá là những kết quả tương đối ấn tượng trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu năm đến nay.
Ông Zhong Feiteng cũng nhận định rằng các mô hình thương mại được hình thành trong thời gian gần đây sẽ tiếp tục tồn tại. Trong tương lai, nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tạo đà đưa quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển.