Việt Nam trước diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung

24/05/2019 18:45
Góc nhìn của các chuyên gia về những ảnh hưởng đối với Việt Nam từ những diễn biến mới trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Sau hơn một năm với nhiều cuộc đàm phán kéo dài mà không đạt được thỏa thuận, từ cuối tháng 4/2019, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc bước vào giai đoạn mới.

Các quyết định đánh thuế lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này tiếp tục lần lượt được đưa ra. Căng thẳng có thêm cấp độ mới, với những phức tạp mới.

Việt Nam sẽ chịu những tác động, ảnh hưởng như thế nào trong thương chiến này? Triển vọng chính sách tiền tệ và ngoại thương, cùng ứng xử của doanh nghiệp Việt Nam?

Bàn tròn của BizLIVE trân trọng giới thiệu ý kiến, nhận định của các chuyên gia, xoay quanh những câu hỏi trên.

Việt Nam trước diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 1.

CẦN LẤY TÍNH ỔN ĐỊNH LÀM TRỌNG

Thế giới đang theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nó đang có nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ, nếu các nước phá giá nội tệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá. Điều này xảy ra sẽ rất nguy hiểm, các quốc gia sẽ phải trả giá bằng nhiều hệ luỵ sau đó.

Căng thẳng trong thương chiến Mỹ - Trung dựa trên “lý thuyết của Trump”, đó là GDP của Mỹ dựa vào ba yếu tố: Tiêu dùng nội địa (7% GDP) + Đầu tư công của Chính phủ (12% GDP) + Đầu tư tư nhân (21% GDP) - Thương mại quốc tế (âm 3% GDP).

Bên cạnh vấn đề kích thích đầu tư tư nhân nội địa, vấn đề nan giải của Mỹ là làm sao giảm thâm hụt thương mại từ âm 3% GDP về 0%?

Mục đích của ông Donald Trump là đánh thuế hàng Trung Quốc tới mức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc tăng lên 2% (nhất là tiêu dùng hàng Mỹ), để “xoá sổ” mức âm 3% thâm hụt thương mại của Mỹ.

Thương chiến với Trung Quốc, Mỹ không lo ngại nhiều, vì tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉ chiếm 27% GDP. Còn Việt Nam tới 200% GDP, cho thấy Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu nên đáng quan ngại.

Đối sách với Việt Nam là cần lấy tính ổn định làm trọng mới ứng phó được các bất ổn của thế giới. Trên nền tảng ổn định đó mới có nhiều công cụ và lựa chọn lúc cấp bách.

Và làm sao để ổn định các ngân hàng thương mại? Đây là thời điểm vô cùng quan trọng của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng thương mại nên rà soát lại danh mục cho vay, nhất là các khách hàng lớn nhất về cho vay, đánh giá lại toàn bộ tình trạng cho vay trung hạn, dài hạn để tái cấu trúc và có biện pháp dự phòng ứng phó ngay từ bây giờ. Điều quan trọng nhất là cứu, nếu không cứu được thì bỏ.

Hai năm gần đây các ngân hàng thương mại quay lại thời kỳ tăng trưởng khả quan nhất trong lịch sử ngân hàng. Các ngân hàng Việt đang được xếp hạng ngang hàng các NHTM ở Đông Nam Á.

Việt Nam có thoát được ảnh hưởng khủng hoảng hay không phụ thuộc rất lớn vào Ngân hàng Nhà nước, phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định của các ngân hàng thương mại. Nếu để các ngân hàng thương mại bất ổn là nguy. Bối cảnh quốc tế như vậy, tình hình tài chính thế giới như vậy, nếu chính sách tiền tệ vững, nếu các định chế tài chính, đặc biệt là các ngân hàng vững thì có thể chống chọi được.

Việt Nam trước diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 2.

VỐN TRUNG QUỐC VÀO VIỆT NAM: GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU

Trước khi nói đến xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung và ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào, ta nhìn lại một thực tế: từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn. Trong 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, hầu như không có tên của Trung Quốc.

Nhưng gió đã đổi chiều. Kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể khi liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.

Điển hình là từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường béo bở TPP và sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Các nhà đầu tư Trung Quốc chọn Việt Nam phải chăng vì chiến lược của Chính phủ nước này hiện nay có phần thay đổi, đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ sở hữu, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước nhằm làm tăng tổng thu nhập quốc gia và cuối cùng là làm tăng tiết kiệm trong nước.

Cho đến nay, thực trạng kinh tế Trung Quốc đã được che đậy dưới lớp “vải điều” hào nhoáng với một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong nhiều năm, khiến nhiều người quên rằng tăng trưởng GDP không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung Quốc.

Nhưng những ngờ vực về sức mạnh thực sự của nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, khi hiệu quả sản xuất ngày càng đi xuống và điều này đồng nghĩa với tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất ngày càng giảm.

Như vậy, tăng trưởng của Trung Quốc không thể đạt tốc độ như đã công bố, thậm chí thấp hơn số công bố khá nhiều. Hơn nữa kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế “công xưởng” mà ở đó phía cung dựa vào nhập khẩu khá nhiều và phía cầu dựa vào xuất khẩu. Khi nhập khẩu giảm cũng có nghĩa sản xuất giảm sút và phía cầu xuất khẩu giảm cũng tạo vòng xoáy cho việc sụt giảm GDP.

Khi cố gắng vượt qua khó khăn nội tại về kinh tế, Trung Quốc càng đẩy mạnh đầu tư, nhưng sự cố gắng này dường như đã tới hạn do nợ công ngày càng có xu hướng tăng cao.

Việt Nam trước diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 3.

SỨC ÉP CẠNH TRANH CẢ BA CẤP ĐỘ: SẢN PHẨM, DOANH NGHIỆP VÀ QUỐC GIA

Với các biện pháp đáp trả nhau hiện nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang mở rộng, ảnh hưởng sẽ lan ra toàn cầu. Xu thế cuộc chiến tranh thương mại này kéo dài và mở rộng là không thể đảo ngược.

Cả hai bên đều chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng sẽ không chỉ đối với một bên bất kỳ nào, mà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với cả Mỹ và Trung Quốc, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Đối đầu Mỹ - Trung không chỉ là chiến tranh thương mại, mà còn là xung đột giữa hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác nhau. Cuộc chiến thương mại chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Trước đây, người Mỹ do ngộ nhận về Trung Quốc, nên đã theo đuổi chủ trương hợp tác suốt bốn thập niên. Người Trung Quốc cũng do ngộ nhận về Mỹ nên đã bị động và bất ngờ về cuộc chiến thương mại.

Những góc khuất của một cuộc đối đầu Mỹ - Trung bắt đầu lộ diện: chiến tranh tiền tệ, trừng phạt tài chính, chiến tranh mạng, cấm vận công nghệ, cô lập ngoại giao, chạy đua vũ trang, đối đầu quân sự. Đó là các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể Mỹ đang nhắm vào Trung Quốc, từ “đối tác chiến lược” nay trở thành “đối thủ chiến lược số một”.

Từ thuế quan đến cuộc chiến công nghệ, Mỹ đang xoáy sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trong cuộc đấu mà cả hai bên đều “sứt đầu mẻ trán”. Doanh nghiệp của cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu đựng bầu không khí bất an khi diễn biến chiến tranh thương mại không có dấu hiệu dịu đi. Trung Quốc sẽ bị chặn khỏi thị trường phương Tây, các ý tưởng, công nghệ, cũng như dòng đô la của Mỹ rất lâu trước khi nước này sẵn sàng để thực sự thay thế Mỹ.

Với Việt Nam, chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật kỹ các tác động đến Việt Nam, để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng.

Các chuyên gia và nhà đầu tư xem các khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp lớn là nguồn động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Khối doanh nghiệp này sẽ kéo theo cả đối tác và nhà cung ứng của họ chi tiêu đầu tư, dần dần nâng cao năng suất lao động và kéo cả nền kinh tế đi lên. Theo đó, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất và cung cấp các lĩnh vực: công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, dệt may da giầy, dược phẩm...

Doanh nghiệp trong nước cũng có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cạnh tranh hơn, dịch vụ hỗ trợ tiện lợi hơn, chất lượng cao hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất…, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

Thách thức lớn và trực diện nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Các sản phẩm và doanh nghiệp của ta sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm và doanh nghiệp nước ngoài khi các doanh nghiệp của các nước sẽ chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam và cạnh tranh không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay trên thị trường nội địa.

Chính phủ ta phải cạnh tranh với chính phủ các nước trong cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nguồn nhân lực… Các lĩnh vực kinh tế vốn được bảo hộ bị thách thức gay gắt do việc cắt giảm thuế quan, như ngành sản xuất ô tô, mía đường, gạo, xăng dầu…

Còn với những doanh nghiệp tư nhân còn manh mún, quy mô nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị hạn chế thì cũng sẽ đối diện với nhiều khó khăn.

Việt Nam trước diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 4.

GIA TĂNG SỰ DỊCH CHUYỂN

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đặt ra vấn đề liệu các công ty có nên dịch chuyển cơ sở sản xuất của mình. Nhiều công ty đa quốc gia hiện đã có chiến lược Trung Quốc + 1 để giảm thiểu tác động của căng thẳng thương mại hiện tại và trong tương lai. Mục đích cuối cùng là giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thực ra trước khi xảy ra căng thẳng thương mại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch đa dạng hóa hoạt động sang các thị trường khác ở châu Á như Việt Nam do chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc chuyển dịch nền kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ và tiêu dùng. Căng thẳng thương mại đóng vai trò gia tăng tốc độ của sự dịch chuyển này. Ví dụ trong những năm vừa qua, Adidas và Nike, Samsung và LG đã mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam có thể nói đang gia tăng và một trong những nguyên nhân là Việt Nam đã tạo lập được một cơ sở sản xuất có khả năng đáp ứng việc dịch chuyển tới khả năng sản xuất giá trị cao. Chính phủ Việt Nam đã chuyển hướng Việt Nam thành một lựa chọn phù hợp với chiến lược Trung Quốc + của các công ty đa quốc gia, thông qua việc ký kết các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA trong khi phát triển cơ sở hạ tầng để thành một nguồn xuất khẩu toàn cầu.

Chúng ta có thể nhìn thấy một phần của sự dịch chuyển thông qua những thống kê về gia tăng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019. Kết quả đó được đánh giá cao trong bối cảnh các thị trường khác trong khu vực không đạt được những kết quả khả quan. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong những lĩnh vực áp thuế thương mại từ Mỹ lên Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ bao gồm các mặt hàng trong lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, linh kiện điện tử và điện thoại. Trong vòng 4 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đầu tư từ các dự án mới tăng hơn 4 lần, 470%.

Tuy nhiên, theo tôi, bất kỳ một thay đổi nào cũng không nên diễn ra một cách quá nhanh. Các công ty nên cân nhắc trước khi dịch chuyển chuỗi cung ứng, cụ thể là xem xét năng lực địa phương có sẵn có không, nguồn nguyên liệu thô có sẵn có không, nếu không thì những nhà cung ứng nguyên liệu hiện có có sẵn lòng dịch chuyển sang nơi mới không, có đủ các nhân sự có tay nghề không hoặc có khả năng hợp tác với những đối tác địa phương không.

Mặc dù có những lợi ích như vừa liệt kê, nhưng về lâu dài, nếu những biện pháp đáp trả nhau giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới cứ tiếp tục, tất cả các thị trường và thành viên tham gia đều sẽ bị thiệt hại.

Khi hàng rào thuế quan được đẩy lên mức độ mới, tất cả hàng hóa đi theo chuỗi cung ứng toàn cầu đều sẽ bị tác động, và đó không chỉ là câu chuyện của riêng Mỹ hay Trung Quốc. Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay rất phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau. Khi dòng chảy thương mại toàn cầu có xáo trộn, ảnh hưởng với những quốc gia trên dòng chảy đó là tất yếu. Còn Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 200% GDP.

FDI là đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam, chỉ cần một yếu tố tạo ra sự xáo trộn của dòng vốn này thì kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.

Chúng ta sẽ cần đợi thêm tới cuộc gặp G20 ở Osaka vào tháng Sáu để có thêm thông tin trước khi đưa ra một kết luận nào về diễn biến và tác động của một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Còn với lĩnh vực tiền tệ, với thuế suất gia tăng tới 25% trên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc xuất khẩu, tỷ giá USD/RMB về lý thuyết sẽ tăng hơn 7. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ đơn thuẩn dựa vào giảm giá đồng tiền của mình để đối phó với tác động của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng xuất khẩu của họ. Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa để kích cầu trong nước và thúc đẩy cải cách để củng cố những yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Trong một kịch bản xấu nhất, việc áp thêm thuế quan lên giá trị hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực lên tỷ giá đồng USD/RMB và có khả năng tỷ giá sẽ lên tới mức trên 7,5. Chúng tôi tin rằng tỷ giá sẽ vào khoảng 6.95 cho cả quý 2 và quý 3 (từ mức 6.70 và 6.75).

Tại Việt Nam, những diễn biến mới gần đây liên quan tiến trình đàm phán kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động mạnh. Cụ thể, đồng Nhân dân tệ (NDT) trong những ngày vừa qua đã mất giá mạnh nhất trong 4 tháng trở lại đây, tương đương mức mất giá hơn 2,5% tính riêng từ đầu tháng Năm. Thị trường cũng tìm kiếm các tài sản có tính trú ẩn như đồng Yên Nhật (JPY) hay đồng Franc Thụy Sĩ (CHF), từ đó đẩy hai đồng tiền này lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, lần lượt ở mức 1,15% và 0,74%, so với đồng bạc xanh.

Ở thị trường trong nước, với độ mở của kinh tế Việt Nam với thị trường quốc tế, thị trường ngoại hối cũng không tránh khỏi những biến động được cho là mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cặp tỉ giá đã bắt đầu tăng mạnh từ mức giá mua vào của NHNN ở 23.200 lên mức kỷ lục 23.400 trên thị trường liên ngân hàng vào tuần đầu tháng Năm, sau đó rơi về quanh mức 23.280 trong thời gian ngắn trước khi bật tăng trở lại lên trên ngưỡng tâm lý 23.400.

Tâm lý thị trường cũng có chuyển biến tiêu cực hơn. Tuy nhiên, nếu xét chung kể từ đầu năm, tỷ giá trong nước mới chỉ tăng xấp xỉ 0,9% sau gần 5 tháng gần như neo chặt ở tỷ giá mua của NHNN. Cũng ở mức giá này NHNN ngay từ đầu năm đã chủ động mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời phát đi thông điệp truyền thông về việc sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng. Do đó, việc tỷ giá biến động mạnh trong thời gian gần đây đi theo xu hướng chung theo những chuyển biến của thị trường thế giới, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được cải thiện theo hướng ổn định.

Về mặt thương mại, như đã nói, số liệu cho thấy Việt Nam được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại khi các nhà xuất nhập khẩu có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần nhìn đến yếu tố tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại cũng như các bất ổn mang hướng lan tỏa sang các kênh khác (tỷ giá, lãi suất).

Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro được cho phép để đảm bảo tối thiểu hóa tầm ảnh hưởng của những biến động thị trường này.

Diễn biến tỷ giá sắp tới sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào những diễn biến địa chính trị và thương mại trên thị trường quốc tế. NHNN có thể tiếp tục để VND thay đổi thích ứng với những biến động đó, tuy nhiên về mặt tốc độ cũng như biên độ sẽ trong tầm kiểm soát khi NHNN được kì vọng sẽ tiếp tục  áp dụng cơ chế điều hành linh hoạt để ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.

Tin mới

Cận cảnh siêu phẩm sedan cỡ nhỏ: Trang bị cửa sổ trời cùng loạt tính năng hiện đại, ăn 3,88 lít xăng/100 km
10 giờ trước
Chiếc sedan đến từ thương hiệu Nhật Bản có khả năng tiết kiệm nhiên liệu ấn tượng khi chỉ hết 3,88 lít/100 km.
Xuất khẩu thủy sản trên đà phục hồi hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
3 giờ trước
10 tháng qua, xuất khẩu thủy sản của nước ta tăng 28% so với cùng kỳ năm ngóai, khả năng cao sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Thái Lan có động thái mới vụ 7 tấn nho Shine Muscat nghi nhiễm độc
3 giờ trước
Nước này triển khai quy trình nghiêm ngặt trước thông tin trên.
Một mẫu iPhone đang giảm hơn 13 triệu, giá bán chỉ từ 8 triệu đồng
4 giờ trước
Hiện tại, mẫu iPhone này đang được bán tại nhiều đại lý với mức giá cực rẻ.
"Vua doanh số" của Xiaomi, bán chạy hơn S24 Ultra: Màn hình mượt hơn iPhone 16, giá chưa đến 3 triệu
4 giờ trước
Đâu là lý do khiến mẫu điện thoại giá rẻ này có sức hút lớn như vậy?

Tin cùng chuyên mục

Sếp Tổng cục Thuế: Sàn Temu đã kê khai thuế nhưng “ghi doanh thu bằng 0”, cơ quan thuế đang giám sát
22 giờ trước
Đây là thông tin mới nhất được lãnh đạo Tổng cục Thuế đưa ra khi trả lời báo chí về xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký mã số thuế và báo cáo doanh thu tự nộp của sàn này ở Việt Nam.
Chiếc iPhone này đang bán chạy nhất thế giới, không phải iPhone 16!
1 ngày trước
Theo Counterpoint Research, trong quý 3/2024, mẫu iPhone này đang có doanh số bán ra cao nhất thế giới.
Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán hàng: Có dễ thực hiện?
1 ngày trước
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này nêu rõ trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.
6 tháng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 13 tấn vàng: Vì sao người Việt vẫn "mê" vàng đến thế?
1 ngày trước
Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường hơn 13 tấn vàng trong vòng 6 tháng để "hạ nhiệt" giá vàng.