Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Theo đó, GDP quý III/2022 tăng 13,67% và 9 tháng đầu năm tăng 8,8%. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bà đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm 2022?
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Tăng trưởng GDP quý III/ 2022 đạt 13,67% so với quý III/2021; GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,8% so với cùng kỳ 2021. Theo tôi, đây là một kết quả hết sức tích cực, vượt ra ngoài mong đợi và những dự báo trước đó
Mức tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm cũng khẳng định chủ trương đường lối đúng đắn của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.
Dựa trên nền tăng trưởng âm của quý III/2021, tăng trưởng quý III/2022 đạt mức 2 con số (13,67%) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã bật dậy và vững vàng trước sóng gió.
Đâu là động lực tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III và 9 tháng đầu năm, thưa bà?
Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng thể hiện tích cực ở tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó, nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 3%, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống nhân dân, ổn định lạm phát với nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu.
Về công nghiệp, mức tăng trưởng quý III khoảng 12,9% và 9 tháng 9,4%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10,6%, xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vẫn duy trì tốt, năng lượng điện tăng trưởng khá cao, đảm bảo nguồn năng lượng quan trọng cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Lĩnh vực dịch vụ, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 quý III/2021 đã khôi phục, một số ngành có tốc độ khôi phục vượt qua mốc của năm 2019, chỉ còn một số ngành tăng trưởng thấp hơn năm 2019 là: Dịch vụ ăn uống, hoạt động hành chính, dịch hỗ trợ và hoạt động dịch vụ khác.
Tuy nhiên, lại có một số ngành có mức tăng trưởng quý III trên 20% như: Bán buôn bán lẻ, vận tải và một số ngành khác. Đây là bức tranh tích cực của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022.
Dựa vào kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng, bà dự báo như thế nào về tăng trưởng GDP cả năm 2022?
Theo dự báo của tôi, tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm không quá nặng nề khi chúng ta tích cực duy trì được một số nền tảng và dư địa 9 tháng vừa rồi, cùng với đó, gói phục hồi kinh tế sẽ được triển khai mạnh mẽ trong quý IV/2022, trong bối cảnh các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong quý IV/2022.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, ảnh hưởng kinh tế thế giới hiện nay rất khó lường và tới đây, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục phức tạp. Cùng với đó, thiên tai bão lũ, lạm phát… khiến cầu tiêu dùng trên thế giới suy giảm, làm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào dự báo tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp, hay thay đổi áp dụng tỷ giá quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước, tạo áp lực cho đầu vào sản xuất trong nước và ảnh hưởng tác động đầu ra các sản phẩm của Việt Nam.
Đặc biệt, độ mở nền kinh Việt Nam hiện khá lớn nên ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tất cả hoạt động sản xuất, đời sống của doanh nghiệp, người dân. Nhưng tôi tin rằng, với sự linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố, duy trì để khai thác tốt nội lực nền kinh tế, duy trì khả năng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, mức tăng trưởng GDP từ 7,5 đến 8% trong năm 2022 là mức Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
Xin trân trọng cảm ơn bà!