Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu tài chính cá nhân và người tiêu dùng có trụ sở tại Singapore, ValueChaosystem vào năm 2019, Singapore là quốc gia đứng thứ 2, sau Australia về "Quốc gia có môi trường tốt nhất cho phụ nữ trong lĩnh vực fintech khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Theo đó, Malaysia xếp vị trí thứ 4, trong khi Thái Lan, Indonesia và Việt Nam lần lượt xếp thứ 7, 8 và 9. Bảng xếp hạng này dựa trên các yếu tố về môi trường kinh doanh, khoảng cách giới tính, mức độ an toàn cho phụ nữ và mức lương trong ngành fintech.
Môi trường cơ hội
Singapore hiện đang là điểm nóng cho sự đổi mới fintech, với số lượng công ty khởi nghiệp fintech tính theo đầu người xếp vị trí cao nhất, và xếp thứ 2 về môi trường tích cực cho phụ nữ trong ngành này.
Trong vài năm vừa qua, khoảng cách về giới ở quốc gia này đã giảm xuống, đặc biệt khi quốc gia này chào đón vị nữ Tổng thống đầu tiên - bà Halimah Yacob - vào năm 2017. Tuy nhiên, chênh lệch về lương theo giới tính tại Singapore đã tăng lên đáng kể vào năm 2018, với sự chênh lệch lớn nhất được ghi nhận trong ngành tài chính và bảo hiểm.
Tại Malaysia, thị trường fintech cũng đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho nữ giới trong môi trường kinh doanh này. Năm 2017, Tổng công ty Phát triển Ngoại thương Malaysia (MATRADE) đã công bố sáng kiến Khu thương mại tự do kỹ thuật số (DFTZ), nhằm phát triển nền kinh tế Internet của quốc gia và tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Malaysia cũng đã tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp với phụ nữ. Dựa trên dữ liệu năm 2019 do Bloomberg tổng hợp, tỷ lệ phụ nữ trong ngành ngân hàng của quốc gia này chiếm vị trí cao nhất (33%) trong bảng xếp hạng.
Source: ValueChampion
Việt Nam cũng đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khai thác tiềm năng của phụ nữ, điển hình như dự án "Ngân hàng di động - Hòa nhập tài chính và trao quyền kinh tế cho người có thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam" của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực fintech, tuy nhiên không phải lúc nào họ cũng có thể tiếp cận dễ dàng với lĩnh vực này. Fintech vẫn được coi là một thị trường khó khăn đối với phụ nữ. Theo Ernst & Young 'ASEAN FinTech Census 2018', 86% người sáng lập các tổ chức fintech là nam giới.
Tăng sự hỗ trợ đối với phụ nữ trong lĩnh vực fintech
Nhiều khu vực hiện đang phát triển các quỹ tập trung vào hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực fintech trên toàn cầu. Năm ngoái, Quỹ Phát triển Vốn Liên Hợp Quốc (UNCDF) - phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) - đã ra mắt Quỹ Đổi mới về các giải pháp kỹ thuật số cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Hongjoo Hahm, cán bộ phụ trách ESCAP cho biết: "Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có tiềm năng hưởng lợi lớn nhất từ CNTT-TT vì những công nghệ này có thể giúp họ vượt qua các rào cản điển hình để mở rộng và tăng trưởng".
Một ví dụ điển hình đó là nền tảng Miss Kaya do bà Gina Heng sáng lập. Đây là nền tảng tài chính dành cho phụ nữ, hướng dẫn họ về các khoản tiết kiệm cũng như đầu tư.
Năm 2018, Miss Kaya và LATTICE80 đã công bố khởi động chương trình tăng tốc dành cho các doanh nhân nữ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp do họ lãnh đạo. Sau đó, họ đã công bố danh sách 100 phụ nữ hàng đầu trong lĩnh vực fintech trên khắp thế giới vào năm 2019.
Bà Gina Heng nhấn mạnh: "Chúng tôi tạo ra Miss Kaya để khuyến khích và hỗ trợ các nữ doanh nhân phát triển hơn nữa. Tôi nhận thức được đây là một quá trình có thách thức rất lớn, nhưng nếu có thể tạo ra một cộng đồng hỗ trợ, chia sẻ tài nguyên và mạng lưới thì cơ hội thành công sẽ cao hơn".
Một điều đáng chú ý đó là các thành kiến giới tính sẽ vẫn tồn tại dai dẳng dù cố ý hay vô tình. Mặc dù ngành công nghiệp fintech trong khu vực hiện đang phát triển tương đối nhanh, nhưng điều này không có nghĩa rằng cả hai giới đều có cơ hội tiếp cận như nhau. Vì vậy, phụ nữ cần được đảm bảo có cơ hội trong công việc cũng như trong các quyết định chính sách của ngành.