Theo số liệu từ Samsung Việt Nam, trong quý 1/2018, tổ hợp các công ty của Tập đoàn này đã xuất khẩu 15 tỷ USD.
Trong khi đó, số liệu của Hải Quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam quý 1 là 54,3 tỷ USD. Như vậy, Samsung đang chiếm tỷ trọng khoảng 27,6% trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
So với các năm trước, tỷ trọng đóng góp của Samsung trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày càng lớn. Năm 2012, tỷ trọng của Samsung mới chỉ khoảng 11% nhưng đến năm 2016-2017 đã tăng gấp đôi lên 22% và đến quý 1 vừa qua đã chiếm hơn 1/4 xuất khẩu cả nước.
Tổng cục Hải Quan cho biết, điện thoại và các loại linh kiện là nhóm hàng tăng trưởng mạnh nhất trong quý 1, mức tăng 4,84 tỷ USD (hơn 60%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm này sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến 4,8 lần, sang thị trường Mỹ tăng 128% và sang thị trường EU tăng gần 50%.
Tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế ngày càng lớn
Báo cáo tài chính quý 1 của Samsung cho thấy, tổng doanh thu 4 công ty tại Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 2,08 tỷ USD. Lợi nhuận dành cho gã khổng lồ Hàn Quốc là rất lớn nhưng quan trọng hơn cả là sự đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.
Còn nhớ, trong quý 1/2017, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,21%, mức thấp nhất trong vài năm, mà nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng thấp này là do sự cố điện thoại Galaxy Note 7, khiến Samsung phải thu hồi sản phẩm và tác động mạnh đến kết quả kinh doanh.
Đến quý đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của Samsung đã ổn định trở lại và Samsung công bố những kỷ lục doanh thu lợi nhuận mới. Ngay lập tức GDP quý 1/2018 của Việt Nam tăng 7,38%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Đây là điều không quá khó hiểu bởi Samsung hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, lớn hơn cả PetroVietnam. Tổng cộng, tập đoàn này đang sử dụng hơn 100.000 người lao động Việt, biến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Không những vậy, sự lớn mạnh của Samsung còn giúp nâng cao tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương. Tại các tỉnh thành như Bắc Ninh hay Thái Nguyên, số lượng các công ty trở thành nhà cung ứng cho Samsung đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 3 năm qua. Xung quanh các khu công nghiệp có Samsung, các nhà hàng, quán ăn, khách sạn cũng mọc lên như nấm.
Ngược lại, Việt Nam cũng rất quan trọng đối với Samsung nhờ lợi thế lực lượng lao động trẻ, giá rẻ và đông. Trung Quốc cũng từng sở hữu thế mạnh này nhưng tuổi đời trung bình của Trung Quốc hiện cao hơn Việt Nam 7 năm và chi phí nhân công đắt gấp đôi. So với Apple sản xuất iPhone ở Trung Quốc, việc Samsung đặt nhà máy tại Việt Nam giúp tạo lợi thế cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, Samsung còn đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế tại Việt Nam, giúp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và có thể coi Việt Nam như một "thiên đường thuế". Nhờ đó, Samsung vẫn đang liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như chuyển thêm các hoạt động sản xuất về Việt Nam.
Minh chứng cho điều này là sự xuất hiện của công ty Samsung Display Vietnam, một công ty sản xuất màn hình. Tuy mới được thành lập từ năm 2014 tại Bắc Ninh, nhưng tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị tài sản của công ty này đã lên tới gần 10 tỷ USD. Trong năm 2017, doanh thu Samsung Display tăng "dựng đứng", lên ngang ngửa với 2 công ty Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên.
Nếu Samsung duy trì tốc độ đầu tư như thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục có những đột phá mới.