Sáng 6/1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Kết quả hoạt động kinh doanh của VCB cho thấy năm 2023 ngân hàng huy động vốn thị trường I đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
Chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu: tỷ lệ nợ nhóm 2 xấp 0,42%; tỷ lệ nợ xấu 0,97%. Dư quỹ dự phòng rủi ro 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức 185%.
Nhịp tăng trưởng của Vietcombank được giữ ổn định trên nền tảng khách hàng tiếp tục mở rộng. Thị phần thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt mức 19,2%. Doanh số thanh toán, sử dụng thẻ tăng lần lượt 24,3% và 20,5% so với năm 2022. Đối với công tác phát triển khách hàng phát triển khách hàng có thẻ TDQT/GNQT tăng 12,3%, tương ứng 102% so với năm 2022. Phát triển khách hàng tín dụng Bán buôn, bán lẻ đều tăng trưởng so với năm 2022.
Kết quả hoạt động năm 2023 của Ngân hàng, kết quả thu hồi nợ ngoại bảng đạt xấp xỉ 2.088 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch năm. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng lần lượt 1,78% và 21,68%.
Tổng Giám đốc VCB Nguyễn Thanh Tùng nhận định năm 2023, kinh tế thế giới bị phủ sóng bởi xung đột địa chính trị, lạm phát, lãi suất điều chỉnh tăng dồn dập. Những vấn đề này đẩy kinh tế thế giới vào một năm ảm đạm.
Ngay từ đầu năm, VCB đã triển khai giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu. Đồng thời, VCB đã đồng hành cùng với khách hàng vay vốn thông qua giảm đồng loạt và liên tục nhiều chương trình lãi suất. Với nhiều chiến dịch giảm lãi suất cho vay trong suốt cả năm 2023, VCB đã giảm hơn 5.800 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Cơ cấu đơn vị, nhân sự cũng được VCB mở rộng với 5 chi nhánh mới vào hoạt động, có hiệu quả kinh doanh ngay trong 6 tháng hoạt động. Thành lập mới Khối Pháp chế & Tuân thủ, Khối Vốn & Thị trường. Tuyển dụng và bổ nhiệm một số nhân sự gồm cả nhân sự người nước ngoài có trình độ cao cho các vị trí quan trọng phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị.
Theo Tổng Giám đốc VCB Nguyễn Thanh Tùng, bức tranh kinh tế thế giới nửa sau năm 2024 có thể lạc quan hơn, do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm kỳ vọng tăng trưởng sẽ là động lực kéo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn. Dù được dự báo "hạ cánh mềm" bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng, doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất kinh doanh do rủi ro lãi suất còn hiện hữu và căng thẳng địa chính tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế.
Hàng rào bảo hộ hạn chế xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cũng làm méo mó thương mại quốc tế. Dự báo của các tổ chức thế giới về tăng trưởng kinh tế của các nước lớn đều giảm tốc so với 2023.
Nhưng riêng với nền kinh tế Việt Nam, lãnh đạo VCB tỏ ra lạc quan so với triển vọng kinh tế thế giới nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ. Tăng trưởng kinh tế đặt mục tiêu ở mức 6% - 6,5% có thể thực hiện được nhờ các trụ đầu tư công, khu vực FDI, các dự án trọng điểm quốc gia, và sức mua tăng trong năm 2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu kỳ vọng tăng trưởng trở lại nhờ các khu vực FDI, nông nghiệp,…
Năm 2024, VCB đặt mục tiêu nâng tổng tài sản tăng ít nhất 8%; Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu trưởng từ 10% trở lên. Kiểm soát LDRTT22 thấp nhất ở mức 80%. Tín dụng tăng tối thiểu 12 % và trong hạn mức NHNN giao. Đồng thời đưa tỉ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%.
Đáng chú ý, lãnh đạo VCB khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, và theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện Phương án nhận chuyển giao bắt buộc. Triển khai đúng tiến độ các biện pháp hỗ trợ khi Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.