Năm 2020 Vietcombank tiếp tục khẳng định vị trí đầu ngành ngân hàng với lợi nhuận 1 tỷ USD, tỷ lệ nợ xấu 0,65%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu 379%, quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn ngành và gấp hơn 2 lần bình quân của 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại. Năm 2021, theo chia sẻ của ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, tình hình ngân hàng vẫn rất lạc quan.
Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế tác động tích cực đến ngân hàng
Ông Thành nhận xét, 3 tháng đầu năm nền kinh tế thế giới đã trở lại mạnh mẽ hơn nhờ tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy nhanh, các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào sự phục hồi và hoạt động đầu tư cũng mạnh mẽ hơn. Mới đây, các tổ chức như WB và IMF đã đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng 2021 tới 4 – 5%, là mức cao nhất nhiều năm. "So với trước Covid-19 mức tăng trưởng đó không nhiều, nhưng với nền tảng Covid-19 của năm 2020 thì đó lại là con số rất quan trọng, chứng tỏ niềm tin vào sự phục hồi rất mạnh mẽ" – ông nói.
Với Việt Nam, đầu năm nay tái bùng phát dịch bệnh nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng 4,48%, cao hơn 68% so với mức hơn 3,68% cùng kỳ. Sự kỳ vọng của các doanh nghiệp và nền kinh tế khởi sắc đã tác động tích cực lên hoạt động ngân hàng, với mức tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đạt hơn 2%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng gồm 12 - 14%; 10-12% và 7-8% tuỳ tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Với đặc điểm quý 1 thường tăng tín dụng yếu và sẽ mạnh dần về sau, đặc biệt là quý cuối năm, nhưng quý 1 năm nay tăng trưởng mạnh như vậy, ông Thành tin rằng mức tăng trưởng tín dụng cả năm chắc chắn vượt 10%.
Riêng về Vietcombank, ngân hàng được giao tăng trưởng tín dụng 10,5%. Xét về con số tăng trưởng, đây không phải cao nhất nhưng về quy mô tăng trưởng thì không ngân hàng nào có thể vượt qua. Tính toán của chúng tôi cho thấy, với room khoảng 10,5% được giao ban đầu, Vietcombank năm nay sẽ bơm thêm ra nền kinh tế khoảng 88 nghìn tỷ đồng. Còn nếu được điều chỉnh lên mức 14% như năng lực của ngân hàng này, Vietcombank sẽ cho vay thêm ra nền kinh tế khoảng 117 nghìn tỷ và đưa tổng dư nợ lên gần 1 triệu tỷ đồng. "Trong quý 1 Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng khoảng 3,7%, là mức cao nhất trong cùng kỳ của nhiều năm, với đà này nếu được giao 14% cả năm cũng đạt được", ông Thành nói.
Trước đó trong năm 2020, Vietcombank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu là 7,5% (cao hơn nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước khác từ 1 – 1,5 điểm %) nhưng với chất lượng tín dụng tốt, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nên sau đó được giao chỉ tiêu bổ sung, cả năm tổng cộng 14%, cao gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng bình quân của 3 ngân hàng còn lại.
Về chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cuối quý 1 là 0,7%, cao hơn chút ít so với con số 0,65% của cuối năm 2020. Nguyên nhân là do ngân hàng không chủ trương sử dụng dự phòng trong 6 tháng đầu năm.
Về nguồn vốn đầu vào, chủ tịch Vietcombank cho biết, ngân hàng có thanh khoản dồi dào, quý 1 đặt mục tiêu không tăng trưởng nguồn vốn với tín hiệu điều hành ra thị trường là duy trì lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác đáng kể. Tuy nhiên với sự tín nhiệm của khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân, nên lượng tiền gửi vào vẫn lớn.
3 trụ cột tăng trưởng và "cơm không ăn gạo còn đó"
Nhìn lại sự tăng trưởng của Vietcombank những năm qua cũng như hiện tại, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng có 3 trụ cột chính đó là tiền giá rẻ, bán lẻ và thu dịch vụ.
Với trụ cột đầu tiên, Vietcombank hiện có nguồn tiền giá rẻ quy mô lớn nhất hệ thống, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng tăng.
Về trụ cột thứ 2, từ năm 2013 Vietcombank đặt mục tiêu đứng đầu bán lẻ, khi ấy có vẻ "nhiều người buồn cười" vì ngân hàng đang có thế mạnh về bán buôn, song ngân hàng vẫn thuyết phục được các nhà đầu tư như Mizuho và đưa vào chiến lược phát triển, đến cuối năm 2020 tức là sau 6 năm thực hiện, tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ đã tăng lên 54%, con số tăng tiếp trong 3 tháng đầu năm nay
Trụ cột thứ 3 là thu dịch vụ, mảng này đã tăng nhanh trong thời gian qua, hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.
Một con số nữa cũng ấn tượng và lãnh đạo Vietcombank khá tự hào đó là tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 379%, là mức cao kỷ lục trong ngành ngân hàng từ trước tới nay, cũng bỏ xa các ngân hàng còn lại.
Theo chia sẻ của ông Nghiêm Xuân Thành, ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng, trích lập đầy đủ. Chẳng hạn theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65% nhưng ngân hàng chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% coi như vẫn trích lập đủ 100%. Hay cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 hay Vietnamairlines sẽ không phải trích lập dự phòng, nhưng ngân hàng vẫn dự phòng. "Quy định chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, cơm không ăn gạo còn đó, lại an toàn cho ngân hàng, đúng thông lệ quốc tế thì ngân hàng làm thôi", ông Thành nói, và cho biết thêm quý 1 năm nay ngân hàng trích lập thêm dự phòng được 2.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu Vietcombank cũng tiết lộ, trong quý 1 năm nay lợi nhuận của ngân hàng ước đạt 7.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, con số này cao hơn 34% và bằng 28% kế hoạch cả năm (25.200 tỷ). Với 3 trụ cột đang tăng trưởng mạnh mẽ, đà tăng trưởng đã có trong quý 1, ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 10% đặt ra cho năm nay.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn có thêm nhiều "của để dành" khác như khoản lợi nhuận trích dần từ thoả thuận bảo hiểm với FWD, cộng với việc nếu thoái vốn ở MB, Eximbank thì tình hình sẽ còn tốt hơn nữa. Được biết bảo hiểm FWD đã bỏ ra cả tỷ USD để hợp tác với Vietcombank và ngân hàng mới đưa vào lợi nhuận một phần nhỏ trong 2 năm vừa qua, trong khi sở hữu của Vietcombank ở MB và Eximbank vẫn còn "kha khá", và giá cổ phiếu của 2 ngân hàng này đều đang ở mức cao kỷ lục.