Ngày 18/8 vừa qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã thông báo về việc phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa.
Như vậy, đây là lần thứ 5 Vietcombank thông báo phát mại tài sản của Vinaxuki Thanh Hóa. Giá khởi điểm đấu giá ban đầu là 44,3 tỷ đồng (hồi tháng 4/2020) nhưng đến nay chỉ còn 36,3 tỷ đồng.
Vietcombank cho biết, hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa gồm tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị.
Trong đó, tài sản gắn liền với đất gồm toàn bộ tài sản trên đất được hình thành thuộc dự án xây dựng Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc. Diện tích sử dụng đất là 456.344 m2 và diện tích nhà xưởng xây dựng khoảng 36.000 m2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 26/01/2059.
Máy móc thiết bị của Vinaxuki Thanh Hóa gồm cẩu trục 10 tấn, cẩu trục 5 tấn, 2 máy nén khí, máy sấy khí, 4 máy cán tôn thủy lực và các loại máy xúc, máy ủi và các máy móc thiết bị khác.
Trước Vietcombank, ngân hàng BIDV hồi đầu năm cũng từng thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên. Tổng dư nợ gốc và lãi của khoản nợ này tính đến tháng 9/2019 lên tới 1.265 tỷ đồng, được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất 138.814,7m2, máy móc thiết bị, quyền khai thác mỏ quặng và tài sản gắn liền với đất.
Vinaxuki là doanh nghiệp có trụ sở tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Từ một nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng, doanh nghiệp nay sau đó được cấp phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại.
Cùng với Trường Hải, Vinaxuki chính là một trong hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất các loại ô tô và phụ tùng ô tô. Nhà máy đầu tiên của Vinaxuki được khởi công tại Vĩnh Phúc với công suất 20.000 xe/năm và hoàn thành vào năm 2005. Liên tiếp trong ba năm sau đó, tại nhà máy này đã sản xuất được trên 20 dòng xe tải, 3 dòng xe con với mức lãi tốt, trong đó có năm mức lãi cao nhất lên đến 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2009 là năm cuối cùng doanh nghiệp này có lãi.
Khủng hoảng ập đến với Vinaxuki từ năm 2010. Khi đó, Vinaxuki đang tập trung nguồn vốn chủ sở hữu cho đầu tư thì bị ngân hàng cắt vốn lưu động. Thêm nữa, thị trường ô tô giai đoạn này bắt đầu ngừng trệ, cộng thêm lãi suất ngân hàng quá cao đã khiến cho Vinaxuki không thể chống đỡ được. Hệ quả là, năm 2011, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ và sau đó, ngay cả thời kỳ tiêu thụ xe ô tô phục hồi trở lại vào năm 2012, Vinaxuki cũng đành bất lực nhìn miếng bánh thị trường rơi vào tay các nhà sản xuất, nhập khẩu khác.
Theo công suất thiết kế nhà máy của Vinaxuki, nhân sự là 6.000 người, trong đó Thái Nguyên là 300 người, Thanh Hóa là 3.000. Tổng số cán bộ công nhân viên của Vinaxuki nếu đủ vốn hoạt động hết công suất lên đến hơn 9.000 người, sản xuất ra 30.000 xe/năm. Theo ông chủ Bùi Ngọc Huyên, tỷ lệ nội địa hóa của Vinaxuki với xe 4 chỗ có thể lên đến 50% và xe tải là trên 40%, so với tỷ lệ trên thị trường là 5-8% cho xe con và 25-27% cho xe tải.
Tuy nhiên, từ năm 2013, các nhà máy của Vinaxuki đều đã đóng cửa ngừng hoạt động, các ngân hàng rao bán nhà máy để siết nợ nhưng cũng khó tìm được người mua. Các dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại của Vinaxuki đã đắp chiếu, hoen gỉ, chỉ được bán với giá... sắt vụn.
Suốt một khoảng thời gian dài, ông Bùi Ngọc Huyên đã nhiều lần gửi đề nghị lên các cấp để mong vay vốn lưu động tiếp tục sản xuất ô tô. Tuy nhiên, các đề nghị của Vinaxuki liên tục bị bác bỏ. Bản thân ông Huyên đã phải bán nhiều tài sản của gia đình, như nhà cửa, đất đai để trả nợ nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn tình hình.