Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Trong đó, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Thời gian thực hiện là trong năm 2022, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Đối tượng phát hành là các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của VCB tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của VCB đối với đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ, chia cổ tức tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu và nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt. Các cổ đông này được hưởng quyền theo quy định của pháp luật.
Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ, chia cổ tức tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu và nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ lên 55.891 tỷ đồng.
Nói về sự cần thiết của việc tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, ngày 23/12/2021, Vietcombank đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, nâng mức lên hơn 47,3 nghìn tỷ. Hiện tại, VĐL của Vietcombank đang thấp hơn ~10.800 tỷ đồng so với mức kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020.
VĐL là chỉ báo quan trọng trong xem xét, đánh giá cấu trúc vốn của các ngân hàng khi xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Việc tăng quy mô VĐL cũng sẽ tạo điều kiện để Vietcombank mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid kéo dài từ đầu năm 2020 gây áp lực lên chất lượng tài sản, sau khi kết thúc thời hạn cơ cấu nợ 30/6/2022 (cơ cấu nợ theo Thông tư 01), dự kiến nợ xấu của VCB sẽ tăng lên, làm tăng tổng tài sản có rủi ro ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số CAR.
Hiện CAR riêng lẻ của Vietcombank (31/12/2021) là 9,4% chỉ cao hơn mức tối thiểu theo quy định là 1,4 điểm phần trăm, là mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước cũng như các ngân hàng trong khu vực Asean. Trong thời gian tới, khi nền kinh tế hồi phục sau covid, Vietcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng hàng năm ở mức cao để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần cho tăng trưởng vĩ mô nói chung.
Để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế đồng thời đảm bảo an toàn vốn, an toàn hoạt động của Vietcombank, việc tăng vốn tự có, tăng VĐL từ nguồn lợi nhuận để lại trong các năm là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam với mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Với vai trò là một trong những NHTM thực hiện mục tiêu trên 3/10 của ngành, Vietcombank xác định việc tăng quy mô VĐL là vô cùng cần thiết để hướng tới niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài.
Do đó, Vietcombank cần phải tiếp tục thực hiện tăng VĐL, tăng vốn chủ sở hữu nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược. Nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của Vietcombank, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của ngân hàng cho Ngân sách Nhà nước.