Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức giảm tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) xuống dưới 5%, qua đó Vietcombank không còn là cổ đông lớn của 2 nhà băng này.
Cụ thể, ngày 6/12, Vietcombank đã bán ra 6,68 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,39% xuống 4,84%. Từ ngày 3/12 đến ngày 7/12, Vietcombank đã bán 19,39 triệu cổ phiếu MBB của MB qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,87% xuống 4,98%. Các giao dịch này được thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán.
Trước đó, Vietcombank cũng đã bán ra 23,7 triệu cổ phiếu MBB trong nửa cuối tháng 11 và 35 triệu cổ phiếu EIB ngày 4/12 trên sàn.
So với việc đem ra đấu giá trước đó, việc bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Vietcombank có thể xem là khá thuận lợi khi giá cổ phiếu MBB giao dịch trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 cao hơn so với mức giá khởi điểm 19.614 đồng/cổ phiếu đấu giá trước đó. Cụ thể là cổ phiếu EIB trên sàn trong những ngày đầu tháng 12 dao động quanh mức 14.000 đồng/cp, khá sát với mức giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phiếu mà Vietcombank từng đưa ra đấu giá hồi tháng 10.
Với việc giảm tỷ lệ sở hữu tại MB và Eximbank xuống dưới 5%, Vietcombank đã cơ bản hoàn tất kế hoạch thoái vốn tại các TCTD nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Thông tư 36.
Tính trong năm nay, Vietcombank đã bán khoảng 43,09 triệu cổ phiếu MBB và 41,7 triệu cổ phiếu EIB. Ước tính theo mức giá bình quân trong từng giai đoạn giao dịch, Vietcombank có thể đã thu về khoảng 900 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi MB và khoảng 600 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi Eximbank.
Không chỉ thoái vốn khỏi Eximbank và MB để đáp ứng thông tư 36 trong năm nay, Vietcombank cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu tại ngân hàng OCB với giá trị thu về được hơn 300 tỷ.
Như vậy, với việc thoái vốn khỏi MB, Eximbank và OCB trong năm 2018, Vietcombank đã có thể bỏ túi được khoảng 1.800 tỷ đồng.
Chưa kể, trước khi thoái vốn khỏi MB, Vietcombank cũng đã được nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6% và cổ tức bằng cổ phiếu 5% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%.
Ngoài ra, năm 2018 là một năm ghi nhận khoản thu ngoài lãi tăng mạnh của Vietcombank. Không chỉ thu nhập từ góp vốn mua cổ phần của nhà băng này tăng vọt mà trong 9 tháng đầu năm, lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank cũng tăng tới 34% tương ứng với 663 tỷ đồng so với cùng kỳ, lãi từ hoạt động khác tăng 103% tương đương với hơn 1.500 tỷ so với cùng kỳ. Không giải thích rõ lãi từ hoạt động khác đến từ đâu, tuy nhiên không ngoài khả năng đến từ việc xử lý nợ của ngân hàng. Về dịch vụ, Vietcombank cũng đang là ngân hàng "ăn nên làm ra" về mảng kinh doanh này dù chưa có hợp đồng hợp tác lớn với các hãng bảo hiểm.
Nguồn thu đột biến của Vietcombank có thể chưa dừng lại. Trong một báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán Bảo Việt BVSC cho rằng, năm 2019 vẫn có thể có nguồn thu đột biến liên quan tới bancassurance giúp Vietcombank gia tăng lợi nhuận. Stoxplus trong khi đó kỳ vọng đây là sẽ là một khoản thu lớn khi Vietcombank đang có cơ sở dữ liệu khách hàng rất lớn trên thị trường.