Dư nợ tín dụng giảm mạnh hơn nửa vì bán cho VAMC?
Trong 3 tháng cuối cùng của năm 2018, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank, HoSE: CTG) đã ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu tài sản dù tổng tài sản của nhà băng này chỉ giảm 0,7% (gần 8.200 tỷ đồng) so với quý III.
Các khoản cho vay khách hàng giảm gần 26.700 tỷ đồng. Giá trị chứng khoán sẵn sàng để bán giảm gần 33.500 tỷ. Lãi phí phải thu cũng giảm 8.400 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tiền đi gửi/cho vay tổ chức tín dụng khác tăng 26.500 tỷ đồng. Danh mục trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 13.427 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mới đi kèm là khoản dự phòng thêm 2.230 tỷ đồng.
VietinBank không nêu chi tiết khoản mục này trong BCTC quý IV. Nhưng phân tích của Công ty Chứng khoán HSC cho rằng khả năng lớn số trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng thêm là trái phiếu VAMC mới. Điều này đồng nghĩa với việc hơn một nửa trong số dư nợ giảm ròng của VietinBank trong quý IV đã được bán sang cho VAMC.
Xét về cơ cấu theo kỳ hạn, dư nợ tín dụng tại VietinBank giảm mạnh ở kỳ hạn ngắn với 25.867 tỷ đồng giảm ròng sau 3 tháng cuối năm 2018. Từ đó, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng dư nợ giảm từ 57,6% xuống 56,4%.
Giá trị cho vay khách hàng của VietinBank đến cuối năm 2018 đạt hơn 864.900 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ hai về quy mô trong hệ thống ngân hàng dù mức tăng trưởng năm nay thấp hơn nhiều trung bình ngành.
Theo dự báo của HSC, tín dụng của VietinBank sẽ vẫn tăng trường khoảng 10% - thấp hơn nhiều mức bình quân ngành là 14-16% do cần đáp ứng các tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn.
Hệ số CAR thấp và hạn chế tăng vốn là hai vấn đề chính của VietinBank, theo nhận định của HSC.
Hiện hệ số CAR của CTG thấp so với các ngân hàng khác. HSC ước tính ngân hàng này cần phải tăng vốn thêm khoảng 20%, tương đương khoảng 7.500 tỷ đồng, trong hai năm tới. Tuy nhiên, việc tăng vốn cấp 2 hiện đã trở nên khó khăn hơn còn việc tăng vốn cấp 1 là vấn đề "khá phức tạp".
Quyết định 986 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 quy định tỷ lệ sở hữu tối thiểu của Nhà nước tại các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước là 51% trong giai đoạn 2021-2025 và 65% trong giai đoạn trước đó. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank là 64,5% - thấp hơn so với mức tối thiểu quy định. Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) - cổ đông lớn Nhật Bản - "đánh tiếng" sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn nhưng sẽ khó hiện thực hóa bởi giới hạn về room ngoại cũng như yêu cầu về sở hữu vốn Nhà nước tối thiểu.
Quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng
2018 là năm đầu tiên VietinBank ra khỏi top 5 lợi nhuận ngân hàng. Theo lãnh đạo nhà băng này, nguyên nhân là phân loại lại và hạ nhóm nợ một số khoản vay. Điều thấy rõ nhất trên báo cáo tài chính của VietinBank là khoản lãi dự thu của ngân hàng "bốc hơi" 7.618 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí lãi ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng chi phí hoạt động tín dụng khác.
Lãi dự thu là phần thu nhập thuộc về ngân hàng nhưng chưa được nhận về tại thời điểm hạch toán, thông thường là các khoản lãi trái phiếu (trả định kỳ hàng năm thay vì hàng quý), khoản vay được ân hạn, gia hạn hay các khoản nợ xấu chưa được phân loại lại. HSC cho rằng số dư lãi dự thu tại VietinBank cao xuất phát từ hầu hết nguyên nhân trên.
Tỷ lệ nợ xấu tăng, việc phát sinh trái phiếu VAMC mới, các khoản vay được phân loại lại và lãi dự thu giảm là các dấu hiệu được HSC chỉ ra cho thấy VietinBank đã quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng. Cùng với đó là một số khoản chi phí tăng đột biến như chi phí trích lập dự phòng trái phiếu VAMC hay chi phí tín dụng khác do thoái lãi phải thu.
Từ mức lợi nhuận thấp năm 2018, HSC dự báo lợi nhuận trước thuế VietinBank sẽ tăng 39,9% trong năm nay lên 9.435 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả kinh doanh năm 2017.