VietinBank vừa công bố kết quả đợt chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2021.
Cụ thể, ngân hàng đã phân phối hơn 65,1 triệu trái phiếu, tương đương tổng giá trị gần 6.513 tỷ đồng, chiếm 65,13% trong tổng số 10.000 tỷ trái phiếu chào bán. Số lượng trái phiếu chưa phân phối hết là gần 35 triệu, tương đương gần 3.500 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng đã phân phối thành công 3.021 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 8 năm (lãi suất bằng lãi tham chiếu + 0,9%/năm) và 3.492 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm (lãi suất bằng lãi tham chiếu + 1%/năm).Lãi tham chiếu được xác định là lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 1 năm của VietinBank, BIDV, Agribank và Vietcombank. Lãi suất được thanh toán mỗi năm một lần.
Số trái phiếu trên được VietinBank phân phối và bán trực tiếp cho nhà đầu tư thông qua hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch của VietinBank toàn quốc.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2. Mục đích của việc phát hành trái phiếu là để tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện cho vay nền kinh tế, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lê hoạt động của ngân hàng.
Về cơ cấu nhà đầu tư, đối với trái phiếu kỳ hạn 8 năm, có 3.964 nhà đầu tư cá nhân mua 1.819 tỷ đồng và 107 nhà đầu tư tổ chức mua gần 1.202 tỷ đồng. Đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, 4.521 nhà đầu tư cá nhân mua hơn 2.213 tỷ đồng và 253 nhà đầu tư tổ chức mua gần 1.279 tỷ đồng.
Tổng chi phí của đợt chào bán là 375 triệu đồng, bao gồm 350 triệu đồng phí dịch vụ tư vấn phát hành và 25 triệu đồng lệ phí cấp phép chào bán. Sau khi trừ chi phí, VietinBank thu ròng 6.512 tỷ đồng.
Sau đợt chào bán, tổng nợ của ngân hàng tăng nhẹ lên gần 1,36 triệu tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là gần 844.000 tỷ, nợ dài hạn xấp xỉ 516.000 tỷ và hơn 40.856 tỷ trái phiếu chưa đáo hạn.
Ngoài huy động vốn qua trái phiếu, nguồn tin Bloomberg mới đây cho biết Vietinbank sẽ nhận khoản vay hợp vốn giá trị 1 tỷ USD từ 20 bên. Đây là thương vụ vay hợp vốn thứ hai của Vietinbank trong năm nay, sau khoản vay 790 triệu USD vào tháng 8. Bốn bên đồng chỉ định thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính, gồm UOB 300 triệu USD, SMBC 100 triệu USD, Taipei Fubon 100 triệu USD và HSBC 48 triệu USD.
Các bên thu xếp khoản vay gồm OCBC 47 triệu USD, Emirates NBD 45 triệu USD, National Bank of Kuwait Singapore 45 triệu USD, Bank of Communication Singapore 42 triệu USD và Bank of Baroda Singapore 41 triệu USD...