Các bị cáo không có tội
Ls Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Ls TPHCM, bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền) cho rằng vụ án có nhiều vấn đề về thủ tục tố tụng, tại phiên tòa chưa đảm bảo quy định tại Điều 315 BLTTHS.
“Đại diện VietinBank tham gia tố tụng tại Tòa đã không thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu và không trình bày các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các luật sư trong phần thẩm vấn khi xét xử vụ án như quy định”- Ls Trịnh Vĩnh Phúc nói đồng thời nêu quan điểm rằng việc đại diện VietinBank trả lời “Không có nghĩa vụ trả lời các luật sư khi nói đã cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra” vô hình trung họ như vô hiệu hóa điều luật tiến bộ của BLTTHS mới và biến mình thành khối đá tảng chặn đường các luật sư trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Theo Ls Phúc các hành vi vi phạm pháp luật như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký chủ tài khoản… của Huỳnh Thị Huyền Như và các cán bộ VietinBank để rút tiền của khách hàng mà không được sự đồng ý của chủ tài khoản là thuộc trách nhiệm các nhân viên khác của VietinBank nói riêng và của VietinBank nói chung, ngoài tầm kiểm soát của các cán bộ Navibank nên không thể quy kết các bị cáo nguyên là cán bộ Navibank gây ra hậu quả. Tại thời điểm năm 2010-2011, không có bất kỳ quy định pháp luật nào cấm nghiệp vụ ngân hàng cho cá nhân vay rồi cá nhân đó gửi tiền tại ngân hàng khác.
Đề cập VKS quy kết các bị cáo vi phạm Thông tư 02/2011/TT-NHNN quy định “Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam… không vượt quá 14%/năm”, Ls Phúc cho rằng chỉ là quy định dành cho tổ chức tín dụng huy động vốn (nhận tiền gửi) không được áp dụng lãi suất vượt quá lãi suất trần do NHNN quy định, không có điều khoản nào dành cho việc quy định đối với tổ chức, cá nhân gửi tiền.
Ls Trần Vũ Hải (Đoàn Ls TP Hà Nội, bảo vệ cho Lê Quang Trí và bị cáo Nguyễn Hồng Sơn), cho rằng không có việc Navibank bị thiệt hại do Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi của các nhân viên Navibank tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè như nhận định của VKS. Tiền gửi trị giá 200 tỷ đồng của 4 nhân viên Navibank vẫn còn nguyên, vì các nhân viên này chưa tất toán hoặc trực tiếp đưa ra các lệnh chi. Nếu khoản tiền này bị ai đó chiếm đoạt thì VietinBank chịu trách nhiệm. “Nếu VKS giữ nguyên kết luận thì chúng tôi đề nghị VKS đưa ra chứng cứ” - Ls Hải nêu.
Đại diện VietinBank nói gì?
Nêu quan điểm tại tòa, đại diện VietinBank cho rằng ngân hàng này tôn trọng bản án phúc thẩm số 02 đã có hiệu lực, do đó bảo lưu quan điểm không đối đáp với ý kiến các Ls đã nêu ra. Về hành vi của các bị cáo, đại diện VietiBank nói: “Chúng tôi không có nhận xét hay bình luận gì”.
Ls Trương Thị Hoà (Đoàn Ls TPHCM, đại diện VietinBank) cho rằng, phạm vi xét xử của vụ án theo điều 298 Bộ luật tố tụng, toà xét xử những bị cáo theo hành vi VKS truy tố. Cáo trạng của VKS truy tố tội Cố ý của 10 bị cáo. Do đó phiên toà này không xét xử ngoài phạm vi cáo trạng. Đại diện VKS đã phân tích đánh giá trong giới hạn vụ án khi luận tội và VietinBank phản bác mọi ý kiến nằm ngoài phạm vi xét xử của vụ án và tin rằng HĐXX sẽ xem xét theo đúng phạm vi vụ án.
Về ý kiến yêu cầu thay đổi tư cách tham gia tố tụng của VietinBank thành bị đơn dân sự, Ls Hòa nói rằng: Chúng tôi hoàn toàn phản bác. Vị Ls phân tích rằng phạm vi xét xử là xét xử 10 bị cáo theo điều 165, khoản 3 đối với các hành vi phạm tội xảy ra tại Navibank. Trong xét hỏi, một số Ls hỏi bị án Huyền Như và đại diện VietinBank về các tình tiết xảy ra của vụ án, Huyền Như và đại diện VietinBank đều đã trả lời theo những gì có thể.
VietinBank nhiều lần khẳng định không có trách nhiệm gì về hành vi sai phạm xảy ra tại Navibank, không có quy định nào xác định VietinBank phải chịu trách nhiệm về hành vi sai phạm tại Navibank và VietinBank không có nghĩa vụ liên quan đối với số tiền 200 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là cuối phần nêu quan điểm, bà Hòa nói rằng: “Chúng tôi mong HĐXX trong lúc nghị án, xem xét yếu tố lý lịch, nhân thân… của các bị cáo để xem xét giảm hình phạt đối với các bị cáo nguyên là cán bộ của Navibank”.