Thông tin được đưa ra tại toạ đàm hàng không: Cơ hội, cạnh tranh cùng phát triển do Báo Giao thông tổ chức chiều 11/4.
Miếng bánh hàng không còn rất lớn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Vũ Tùng - Giám đốc Dự án CTCP Vietjet Air cho biết thị trường hàng không Việt Nam có tăng trưởng 2 con số trong vài năm qua.
Theo đó, hàng không Việt Nam 5 năm vừa qua đã tăng trưởng khoảng 29%. Trong trong khi đó, Trung Quốc dù là thị trường hàng không phát triển rất tốt, cũng chỉ khoảng 10-15%, Thái Lan 11,1% và Hàn Quốc 10,4%.
"Chúng ta đạt gần 30% là con số cực kỳ ấn tượng vào thời điểm này", ông nói.
Do vậy, đại diện Vietjet Air nhận định đây là cơ hội để ngành hàng không phát triển, đồng thời cũng là dịp để Việt Nam nhìn nhận sự cạnh tranh là nóng hay không.
"Thị trường hàng không ở nước láng giềng như Thái Lan có tới 13 hãng hàng không, còn hiện Việt Nam mới chỉ có 4 hãng hàng không. Chỉ số phần trăm người dân Việt Nam bay không quá 50%, tức là không quá 50% người dân được trải nghiệm bay", ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways đưa ra con số.
Do vậy, ông nói rằng với sự ra đời của VietJet hay Bamboo, nhiều người dân sẽ có được hi vọng bay hơn.
"Còn nhớ trong chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways tôi có tặng hoa hành khách. Nhiều người bắt tay tôi cảm ơn và nói rằng nhờ có Bamboo mà họ được bay, cái này có lẽ Vietjet cũng có từ lâu rồi", ông kể lại.
Định nghĩa khác cho cạnh tranh
Theo ông Đặng Tất Thắng, đối với ngành hàng không, việc cạnh tranh giữa các sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dùng.
"Vì chúng tôi cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ không tốt đi", ông Thắng nói.
Ông giải thích rằng khi bước vào thị trường, Bamboo Airways xác định sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sự an toàn, sự tiện nghi của các dịch vụ chất lượng 5 sao.
Bên cạnh đó, hãng hàng không trẻ tuổi này sẽ mở các đường bay với các địa phương có nhu cầu kết nối và có tiềm năng.
"Ví dụ nhiều người ở Thanh Hoá muốn đi Nha Trang phải ra Hà Nội hoặc bay vào TP.HCM rồi đi Nha Trang. Vì vậy, chúng tôi tính mở đường bay thẳng từ Thanh Hoá vào Nha Trang", ông nói.
"Nếu chúng ta không mạnh dạn trao đổi, dư luận sẽ nghĩ cứ ra thêm 1 hãng hàng không là có cạnh tranh", ông Phạm Vũ Tùng nói và nhấn mạnh: "Không những thế, nhiều người vẫn cho rằng cạnh tranh là xấu, dù thực tế cạnh tranh rất tốt".
Theo ông, vì nhiều người nghĩ cạnh tranh không tốt nên trong quá trình Vietjet xây dựng và phát triển cũng đã phải chịu áp lực suốt 8 năm qua, từ 2011 đến nay.
"Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa cơ hội phát triển rất lớn. Thay vì nói câu chuyện cạnh tranh và các đối thủ chiến đấu với nhau, từ khi VietJet ra đời đến nay có thêm Bamboo Airways, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có "tác kích" cạnh tranh trực tiếp mà phải làm thật tốt công việc, làm thật tốt dịch vụ của mình và có sáng tạo", ông cho biết.
Nhắc lại câu chuyện với Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, ông Tùng cho biết câu chuyện cạnh tranh là phải nghĩ đến cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài khi mở cửa bầu trời, chứ không phải các hãng hàng không trong nước "chiến đấu" với nhau.
"Ở Bamboo Airway có những mạch sản phẩm như "bay Bamboo nghỉ FLC", thì VietJet cũng thế", ông nói và cho biết hãng có liên doanh Thái VietJet trụ sở đặt ở Thái Lan. Chúng tôi bay tốt ở thị trường Thái Lan và được cả Chính phủ, Bộ Giao thông Thái Lan đánh giá cao.