Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) dự kiến sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 14/7/2021 tại Hà Nội.
Ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội là 4/6/2021.
Trước đó, Vietnam Airlines đã phải thay đổi thời gian tổ chức đại hội do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và công tác chuẩn bị các nội dung trình ĐHĐCĐ.
Cách đây ít ngày, ông Đặng Anh Tuấn – Trưởng Ban truyền thông Vietnam Airlines cho biết: "Khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng đang được các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục. Chậm nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, gói 4.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân về Vietnam Airlines".
Tại một cuộc họp tổ chức sáng 21/6 của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết đã có 3 ngân hàng gồm SeaBank, Maritime Bank và SHB đã có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
ĐHĐCĐ sắp tới nhiều khả năng sẽ thông qua những nội dung quan trọng liên quan đến mức giá Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua cổ phần tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
Nếu tăng vốn thành công, Vietnam Airlines sẽ quay trở lại vị trí hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, ở mức 22.183 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia đánh mất ngôi vị này về tay Bamboo Airways sau khi công ty của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng hồi tháng 4.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vietnam Airlines dự kiến lỗ 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, sau khi đã lỗ 4.800 tỷ đồng trong quý 1 (số liệu BCTC).
Số nợ phải trả quá hạn của VNA lên tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Trong điều kiện hiện tại, khả năng rất cao là Vietnam Airlines sẽ âm vốn chủ sau khi kết thúc quý 2. Tại thời điểm 31/3/2021, lỗ lũy kế của hãng hàng không đã ghi nhận 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.