Ngày 14/3, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay từ 1/4 và cho phép hãng phụ thu nguyên liệu cho chặng nội địa.
Cụ thể, doanh nghiệp này cho rằng, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Giá dịch vụ vận chuyển khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường.
Theo Vietnam Airlines, từ năm 2015, ngành hàng không đã áp dụng giá trần vé máy bay, song sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh giảm giá trần vào năm 2019. Cụ thể, đường bay dài nhất từ 1.280 km trở lên có giá trần là 3,75 triệu đồng một vé, thấp nhất là đường bay dưới 850 km có mức giá là 2,2 triệu đồng mỗi vé.
Đến nay, khi giá nguyên liệu tăng, hãng cho rằng giá trần cũng cần điều chỉnh tăng. Văn bản nêu rõ: "Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, để một mặt có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ".
Đồng thời, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Nếu được áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.
Cùng với đó, hãng cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hãng hàng không triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Bởi theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.
Đây là các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng mạnh. Theo Vietnam Airlines, việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD một thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD mỗi thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng.
Nếu giá lên khoảng 160 USD mỗi thùng, chi phí sẽ tăng đến 9.120 tỷ đồng, càng làm trầm trọng hơn mức lỗ mà hãng dự kiến trong năm nay. Trong khi đó, mạng bay quốc tế thường lệ đi và đến Việt Nam "đóng băng" trong cả năm 2021. Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Vietnam Airlines là nghiêm trọng nhất, nhiều thời điểm hầu như không có chuyến bay, sản lượng vận chuyển hành khách bằng 27% so với 2019.
Với thị trường nội địa, dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào cao điểm Tết và hè khiến tổng thị trường nội địa đạt khoảng 14,6 triệu khách, giảm 61% so với 2019. Các hãng hàng không Việt Nam hầu như chỉ có thể khai thác được trên 60% công suất đội tàu bay, trong đó riêng Vietnam Airlines chỉ đạt 40%.
Năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Các hãng hàng không tự quyết định giá vé nội địa và niêm yết theo quy định.
Như vậy, các hãng có thể được tự quyết giá vé, không cần theo trần giá vé. Vietnam Airlines cũng từng đề xuất áp giá sàn bay nội địa khoảng 560.000 đồng-1,4 triệu đồng để giúp các hãng bay vượt qua khó khăn đại dịch trong bối cảnh nhiều giai đoạn giá vé máy bay chạm đáy. Song Bộ Giao thông Vận tải chưa tính đến việc này.