Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HVN) vừa công bố BCTC bán niên, trong đó kiểm toán viên có nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Kiểm toán: Ghi nhận trước chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá là không phù hợp
Chi tiết, trong kì hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019, Vietnam Airlines đã trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái với số tiền khoảng 170 tỷ đồng dựa trên ước tính của Ban Giám đốc về sự suy giảm giá trị của VND so với các ngoại tệ đến cuối năm 2019.
Tuy nhiên Kiểm toán viên cho rằng việc ghi nhận chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá dự kiến phát sinh trong tương lai là chưa phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 10 cũng như Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
Nếu Tổng Công ty ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo các qui định hiện hành, trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6/2019, khoản mục "Chi phí phải trả ngắn hạn" sẽ giảm 170 tỷ đồng và "Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" sẽ tăng 136 tỷ đồng. Đồng thời trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính sẽ giảm tương ứng 170 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế TNDN sẽ tăng 136 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu phát sinh vấn đề này với Vietnam Airlines, gần đây nhất BCTC hợp nhất cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2018 được soát xét bởi công ty kiểm toán khác cũng đưa ra kết luận ngoại trừ chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoán với giá trị 420,5 tỷ đồng, được trích dựa trên ước tính của Ban Giám đốc Tổng Công ty về sự suy giảm của VND so với đồng ngoại tệ đến cuối năm 2018. Việc ghi nhận khoản trích trước chi phí phải trả lỗ chênh lệch dự kiến phát sinh trong tương lai này theo kiểm toán là không phù hợp với các quy định hiện hành về hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá; điều này trước đó dẫn đến chi phí phải trả và chi phí tài chính tăng 420,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế TNDN theo đó giảm gần 336,5 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2018.
Giải trình điều này, Vietnam Airlines khẳng định: "Phương pháp ước tính này được thống kê nhiều năm và Vietnam Airlines xét thấy là hợp lý và phù hợp giữa kết quả sản xuất kinh doanh giữa niên độ với cả năm".
Đóng góp từ công ty con, liên kết giảm kéo lùi lợi nhuận nửa đầu năm
Kết thúc nửa đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty tăng 4,5% lên 50.000 tỷ đồng, trong khi LNST sau lợi ích CĐTS giảm 6,3% xuống 1.300 tỷ đồng. Riêng quý 2, doanh thu hợp nhất tăng 4,3%; ngược lại LSNT giảm mạnh 74,4% xuống 79 tỷ đồng.
Giải thích sự trái chiều này, giới phân tích cho rằng lý do chính xuất phát từ lợi nhuận từ các công ty con và liên kết giảm. Trong đó, hãng hàng không chi phí thấp Jetstar Pacific (JPA) dường như đã sụt giảm về lợi nhuận do không còn thương vụ SALB (mua và thuê lại) nào trong quý 2/2019, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 53 tỷ đồng lợi nhuận từ các thương vụ SALB).
Xét riêng công ty mẹ, doanh thu quý 2/2019 của Vietnam Airlines tăng 3,3% lên 18.000 tỷ đồng, con số luỹ kế nửa đầu năm tăng hơn 4% lên 36.600 tỷ đồng. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng doanh thu Tổng Công ty tăng trưởng nhờ các tuyến bay hiện hữu đạt kết quả cao.
Chi tiết, tuy số hành khách của hãng chỉ tăng nhẹ 2% lên 13,9 triệu, giả định lưu lượng vận chuyển hành khách - RPK (số hành khách nhân số km) cao hơn nhờ tốc độ tăng trưởng hành khách các tuyến quốc tế tăng mạnh hơn so với các tuyến trong nước. Ghi nhận, trong kỳ Vietnam Airlines đã bắt đầu sử dụng máy bay thân rộng lớn hơn thay vì máy bay thân hẹp cho các tuyến trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, hãng chỉ mở thêm 3 tuyến trong nước với tần suất bay thấp trong 6 tháng đầu năm, VCSC cho rằng tăng trưởng doanh thu chủ yếu được thúc đẩy nhờ các tuyến bay hiện hữu, với tuần suất bay cao hơn và số ghế lớn hơn (nhờ sử dụng máy bay thân rộng), trừ các tuyến đi/ đến từ Trung Quốc. Doanh thu từ các tuyến đi/đến từ Trung Quốc giảm trong 6 tháng đầu năm vì lượng khách nước này đến Việt Nam giảm 3% trong giai đoạn này.