Ngày 4-11, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đã công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với ông Livio Arizzi (quốc tịch Ý).
Đây là bước đi tiếp theo của Vietravel Airlines trong lộ trình thành lập hãng hàng không. Ông Livio có trình độ tiến sĩ, đồng thời là cơ trưởng dày dạn kinh nghiệm với hơn 20.000 giờ bay trên các loại máy bay thương mại hiện đại, sẽ phụ trách mảng quan hệ quốc tế của Vietravel Airlines. Trước đó, Vietravel Airlines cũng bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao khác.
Chia sẻ về tiến độ xúc tiến thành lập hãng hàng không, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cho biết hiện quá trình xin giấy phép của hãng đang đúng tiến độ. Theo kế hoạch, dự kiến tháng 11-2020 sẽ cất cánh chuyến bay đầu tiên. Hiện các thủ tục xin phép chủ trương đầu tư đã gửi các bộ ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Vũ Đức Biên cho biết thêm Vietravel Airlines được định hướng là hãng hàng không thế hệ mới gắn với du lịch, chủ yếu khai thác các đường bay phục vụ du khách theo hình thức thuê bao nguyên chuyến bay (charter flight). Mỗi năm, chỉ tính riêng doanh thu từ tiền mua vé máy bay của Công ty Vietravel đối với các hãng hàng không vào khoảng 3.000 tỉ đồng nên sẽ là lợi thế của hãng.
Vietravel Airlines liên tục bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Ảnh: Linh Anh
"Một số nước trong khu vực như Thái Lan có từ 10-20 hãng hàng không và thị trường hàng không của họ rất cạnh tranh, từ đó người tiêu dùng cũng có lợi. Việt Nam mới chỉ có 5-6 hãng hàng không nên dư địa thị trường còn rất lớn" – ông Vũ Đức Biên chia sẻ.
Quan điểm của Vietravel Airlines là sẽ tuyển phi công ngoại trong thời gian đầu chứ không tranh giành phi công từ các hãng khác trong nước; không tạo áp lực lên tổng thể nguồn nhân lực ngành hàng không tại Việt Nam. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Livio cho biết sẽ phụ trách mảng tìm kiếm, mua máy bay phục vụ kế hoạch khai thác của hãng, tìm kiếm phi công nước ngoài với tiêu chí đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế…
Cách đây không lâu, Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng thông báo tuyển sinh phi công và kỹ thuật bay khoá 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công, nhằm đáp ứng nhu cầu phi công ngày càng cao tại Việt Nam và trên thế giới. Trước đó, Vingroup cũng thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng với ngành nghề chính là vận tải hành khách hàng không.
Các hãng hàng không đang khai thác cũng không ngừng mở rộng mạng lưới đường bay, đầu tư thêm máy bay. Vietnam Airlines vừa công bố mở thêm đường bay giữa Thái Lan tới Việt Nam, gồm Bangkok - Đà Nẵng và Phuket - TP HCM. Đường bay Phuket – TP HCM với tần suất 3 chuyến/tuần, trong khi đường bay Bangkok - Đà Nẵng được khai thác với tần suất hằng ngày. Cùng với các đường bay thường lệ Hà Nội và TP HCM tới Bangkok, tổng tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Thái Lan của Vietnam Airlines hiện lên đến 52 chuyến/tuần.
Trong khi đó, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã vừa ký kết hợp đồng đặt mua 20 máy bay thế hệ mới A321XLR. Với đặt hàng này, Vietjet sẽ trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác dòng máy bay tầm xa của Airbus nhằm hiện đại hoá đội bay, phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế.
Theo báo cáo của Tập đoàn Boeing tại "Boeing Airline Planning Workshop tại Vietnam 2019" vừa qua, châu Á là thị trường hàng không lớn nhất thế giới với động lực phát triển chính đến từ khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2014-2018 đạt 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá. Dự kiến đến năm đến năm 2020 đạt 120 triệu hành khách và 2,5 triệu tấn hàng hóa.