Hãng bay Vietravel chủ yếu sẽ đặt văn phòng tại Huế, theo ông Lê Hữu Minh. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh đây mới chỉ là dự định, chủ trương của lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp, còn việc thực hiện, phải cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía.
Nếu Vietravel Airlines thực sự trở thành hãng hàng không mới trên bầu trời sẽ có tác động rất lớn đến du lịch, đặc biệt là với du lịch của Huế, ông Minh hào hứng cho biết. Bởi lâu nay một trong những điểm nghẽn của du lịch tỉnh là số lượng đường bay ít, không có tính chủ động. Cụ thể, dù Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Jetstar đều có điểm đến là Huế nhưng một số khung giờ bay chưa phù hợp, lượng chuyến bị hạn chế.
"Vào mùa cao điểm như hè, hay Tết, lượng khách đến Huế là rất đông, nếu không chủ động được, sẽ rất khó phát triển du lịch", ông Minh nói.
Do vậy, dự định của ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận được nhiều sự ủng hộ. Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Kỳ cho thấy mong muốn thành lập hãng hàng không riêng. Trước đó, Vietravel đã có kết hợp với các đối tác để thực hiện các chuyến bay charter (thuê chuyến). Theo thống kê bình quân 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp này đã tổ chức khoảng 300 chuyến bay nội địa quốc tế/năm.
Du lịch và hàng không trong thời gian gần đây đã trở thành một cặp đôi gắn liền. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch ví von rằng hai yếu tố này là hai cánh của một tàu bay, sự phát triển cuả ngành này mang đến sự phát triển cho ngành kia. Đặc biệt trong thời gian gần đây, chính sách đã mở cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn thị trường hàng không.
Chủ đầu tư của Bamboo Airways , hãng hàng không vừa cất cánh trong hôm nay, ông Trịnh Văn Quyết từng nhận định "Tư nhân tham gia hàng không chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ". Trong năm 2019, ngoài Bamboo Airways vừa bay chuyến đầu tiên, dự kiến sẽ có sự tham gia của liên doanh hàng không Việt Nam và AirAsia. Bên cạnh đó, hãng Vietstar Airlines cũng đang quyết tâm xin được bay trong thời gian gần đây.