Khắc phục dịch vụ viễn thông đắt đỏ và chắp vá của Philippines là một cam kết của Tổng thống Rodrigo Duterte. Cuối năm 2017, ông từng nói thị trường có thể đón nhận nhà mạng thứ ba và chấm dứt thế lưỡng quyền của PLDT – Globe Telecom với tổng giá trị thị trường khoảng 10,7 tỷ USD.
Trong email gửi hãng thông tấn Reuters, Viettel cho biết “quan tâm đến giấy phép viễn thông thứ ba trên thị trường này”. Viettel sẽ “cân nhắc thấu đáo về việc tham gia nếu điều kiện của các điều kiện đấu thầu phù hợp với chiến lược của Viettel”.
Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Philippines tháng này công bố quy tắc dự thảo về hãng viễn thông thứ ba, yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phối hợp với đối tác địa phương đang nắm quyền kinh doanh.
Tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp viễn thông Phillipines tối đa 40% song quyền Bộ trưởng Eliseo Rio trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters cho hay tỉ lệ này có thể thay đổi để nhà đầu tư nước ngoài tăng cổ phần.
Philippines là một trong số các nước có lượng sử dụng mạng xã hội hàng ngày trung bình lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kém hiệu quả khiến 105 triệu người dân thường xuyên bị rớt cuộc gọi, tín hiệu kém, dữ liệu gián đoạn.
Viettel đã đầu tư vào 10 nước tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ với tổng số thuê bao 43 triệu đến cuối năm 2017. Tháng trước, một quan chức Viettel cũng cho biết công ty đang để mắt đến các cơ hội tại Ethiopia sau khi chính phủ nước này thông báo ý định tự do hóa các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, trong đó có viễn thông.
Hồi tháng 6/2018, Viettel và đối tác địa phương khai trương mạng 4G tại Myanmar, trở thành nhà mạng thứ 4 tại đây.