Viettel vừa công bố thông tin về cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư. Theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 03/03/2018, Viettel không có doanh nghiệp nào nằm trong danh sách thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa.
Về công tác thoái vốn đầu tư, Viettel đã xây dựng kế hoạch giảm vốn, thoái vốn với từng khoản đầu tư. Cụ thể, Viettel sẽ giảm vốn tại các công ty con từ mức tỷ lệ đang nắm giữ hiện tại về mức trên 50% vốn đến hết năm 2020, bao gồm Viettel Post (giảm từ 68,08% đến >50%), Công trình Viettel (giảm từ 73,2% xuống >50%), CTCP Tư vấn Thiết kế Viettel (giảm từ 68% xuống >50%).
Hiện cổ phiếu của các công ty này đều đã được giao dịch trên sàn Upcom. Viettel đã thuê đơn vị thẩm định để định giá giá trị cổ phần. Trong năm 2020, dự kiến hoàn thành các thủ tục giảm tỷ lệ sở hữu đảm bảo theo phương án cơ cấu lại và theo quy định pháp luật.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Viettel đã hoàn thành thoái vốn tại Vinaconex trong năm 2018 và thu về lợi nhuận 712 tỷ đồng. Nếu tính cả cổ tức đã nhận, giá trị thặng dư 1.137 tỷ đồng, gấp 1,88 lần giá trị đầu tư ban đầu.
Với CTCP Vĩnh Sơn, Viettel hiện đã chuẩn bị các thủ tục theo quy định để thoái vốn. Trong năm 2020, căn cứ tình hình thực tế, Viettel sẽ lựa chọn thời điểm để tổ chức đấu giá, đảm bảo theo đúng lộ trình. Với CTCP Xi măng Cẩm Phả, Viettel đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính về phương án đấu giá. Sau khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính, Viettel sẽ thực hiện các bước thoái vốn tiếp theo theo đúng quy định.
Về hoạt động kinh doanh trong năm 2019, Tổng doanh thu toàn Viettel (cộng ngang) đạt 253.049 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 145.434 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 38.176 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Viettel đặt kế hoạch doanh thu Tập đoàn (cộng ngang) 261.532 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 161.577 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 40.153 tỷ đồng.