Mới đây, phái đoàn của Chủ tịch Kim Jong-Un sẽ đến thăm cơ sở nghiên cứu, sản xuất thiết bị dân sự của Viettel.
Hiện Viettel là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, thiết bị viễn thông, CNTT. Ngày 21/2/2019, Hiệp hội di động Thế giới (GSMA) công bố danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới đã triển khai thành công NB-IoT, trong đó Viettel là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam nằm trong danh sách này.
Tỉ lệ tiếp cận di động tại Triều Tiên khoảng 15%, tương đương 3 triệu người. Ảnh minh họa: Internet |
Trong khi đó, tỉ lệ tiếp cận di động, băng rộng di động và băng rộng cố định của Triều Tiên so với các nước châu Á khác là khá thấp. Koryolink là mạng di động duy nhất có dịch vụ 3G tại nước này và có khoảng vài triệu thuê bao kể từ khi hoạt động năm 2008. Koryolink được điều hành bởi công ty liên doanh Cheo Technology giữa Orascom của Ai Cập và Bộ Viễn thông và Bưu điện Triều Tiên.
Đầu năm 2019, ông Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Viettel, từng bày tỏ mong muốn đầu tư vào Triều Tiên trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters. Ông cho biết Viettel đã xin cấp phép xây mạng di động từ năm 2010 nhưng vẫn đang chờ đợi lệnh cấm vận được gỡ bỏ và Triều Tiên mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo blog North Korea Tech, nếu Viettel tiến vào thị trường Triều Tiên, công ty có thể muốn tự xây dựng mạng lưới riêng thay vì dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có. Điều đó giúp Viettel kiểm soát tốt hơn mạng lưới, dịch vụ, giá cước.
Lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc cấm tất cả đầu tư vào Triều Tiên cũng như duy trì hay điều hành công ty liên doanh, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi. Tỷ phú Naguib Sawiris, ông chủ của Orascom, nhìn thấy cơ hội lớn cho viễn thông Triều Tiên nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam thành công. Ông nhận định Triều Tiên là "quốc gia ngập tràn cơ hội nếu được mở cửa". Ông cho biết tỉ lệ tiếp cận di động ở đây vào khoảng 15%, tương đương 3 triệu người và tăng trưởng thị trường còn hạn chế vì thiết bị đắt đỏ.