Trong đó, Viettel có 402.000 khách hàng, VNPT có 61.280 khách hàng. Được biết, tổng số lượng điểm kinh doanh mà Viettel và Vinaphone đã xây dựng trên cả nước là 2.262 điểm. Cụ thể, Viettel có 1.161 điểm, VNPT 1.102 điểm; số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 77.159 điểm (Viettel 68.000 điểm, VNPT 9.159 điểm).
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh truyền thông, phổ cập dịch vụ đến người dân, Viettel đã triển khai 80.000 điểm tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ trên toàn quốc.
Việt Nam vẫn còn khoảng 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng và phần lớn người dùng trả tiền mặt khi mua hàng dưới 100.000 đồng. Do đó, một trong những nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra trong năm 2022 là xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai dịch vụ Mobile Money của các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục thúc đẩy các nhà mạng chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số - hạ tầng quan trọng của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai thí điểm Mobile Money trên phạm vi toàn quốc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho ba đơn vị đủ điều kiện gồm Viettel, VNPT và MobiFone.
Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng).
Dịch vụ Mobile Money được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến hầu hết người dân, đặc biệt với người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được.