Ngày 6/1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2022, VIMC cho biết đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh với kết quả tích cực trong bối cảnh ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine kéo dài, chính sách zero covid của Trung Quốc, lạm phát tăng cao…
Trong năm qua, sản lượng vận tải biển của VIMC ước đạt 21,8 triệu tấn (95% cùng kỳ 2021; 113% KH 2022). Sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 124 triệu tấn (98% cùng kỳ 2021; 93% KH 2022), sản lượng container ước đạt 5,8 triệu TEU (108% cùng kỳ 2021; 97% KH 2022).
Doanh thu hợp nhất VIMC năm 2022 ước đạt 15.041 tỷ đồng (105% cùng kỳ 2021; 120% KH 2022). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 3.129,5 tỷ đồng (86% cùng kỳ 2021, 124% KH).
Trong năm qua, lợi nhuận toàn khối vận tải biển ước đạt 1.869 tỷ đồng (174% cùng kỳ 2021; 144% KH 2022), ngoại trừ OSTC có kết quả lỗ (ước lỗ 348 tỷ đồng, do chi phí lãi vay và khấu hao lớn), các đơn vị trong khối đều có kết quả lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng so với cùng kỳ.
Một số đơn vị vận tải biển có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật bao gồm Vosco: 659 tỷ đồng (130% cùng kỳ), VIMC Shipping: 415,5 tỷ đồng (246% cùng kỳ), Vinaship: 319 tỷ đồng (176% cùng kỳ). Ngoài ra, năm 2022, một số đơn vị đã tích cực đẩy mạnh và đạt kết quả tốt trong công tác tái cơ cấu tài chính như Bisco, Vitranschart.
Trong khi đó, khối cảng biển mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả của khối cảng biển năm 2022 vẫn cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu, đóng góp tích tực vào kết quả chung. Sản lượng khối cảng biển năm 2022 ước đạt 124 triệu tấn (93% KH 2022). Lợi nhuận khối cảng biển năm 2022 ước đạt 1.550 tỷ đồng (93% KH 2022).
Một số đơn vị cảng biển đạt được kết quả nổi bật trong công tác sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường như: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Khuyến Lương. Trong đó, năm 2022, Cảng Hải Phòng đã thu hút được toàn bộ service của hãng tàu Maersk/Sealand tại khu vực Đình Vũ – Hải Phòng.
Đặt kế hoạch lãi trước thuế 2.330 tỷ đồng trong năm 2023
Trong năm 2023, VIMC đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; Thể chế hóa triết lý kinh doanh “Lấy khách hàng làm trung tâm”; hoàn thiện các quy trình, quy định nội bộ tại VIMC và các DNTV theo định hướng “Lấy khách hàng làm trung tâm”.
VIMC cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành dự án Quản trị nhân tài VIMC; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thực tế cho đội ngũ nhân lực các cấp. Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực tại VIMC và các DNTV; Tiếp tục hoàn thiện và triển khai One System, chuẩn hóa các định mức, hoàn thiện hệ thống quy trình chuẩn, bộ tiêu chuẩn cho hoạt động quản lý và khai thác cảng biển, vận tải biển, dịch vụ logistics.
Ngoài ra, VIMC sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm: dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu; Xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, linh hoạt và hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công cụ Kaizen đổi mới liên tục; cụ thể hóa Kaizen tại VIMC và các DNTV; thúc đẩy và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn Tổng công ty.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, VIMC đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; Sản lượng khối cảng biển: 134,7 triệu tấn. Kế hoạch doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.