Mới đây, Samsung thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam, qua đó, nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam cán mốc 19 tỷ USD kể từ lần rót vốn đầu tiên vào năm 2008. Khi thông báo về khoản đầu tư này, Giám đốc điều hành Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, Samsung hoàn toàn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và sẽ không bao giờ thay đổi chiến lược kinh doanh tại đây.
Theo phân tích trong báo cáo gần đây của VinaCapital, sự gia tăng đầu tư của Samsung nói riêng cũng như các công ty công nghệ cao khác như Intel hay LG Electronics đã thúc đẩy số lượng lao động Việt Nam làm việc tại các công ty FDI.
Cụ thể, báo cáo cho biết, số lượng việc làm mà các nhà máy FDI tạo ra trong 10 năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Lý do một phần bởi mức lương mà các công ty FDI trả cho người lao động thường cao hơn khoảng 20% so với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Số lượng lao động Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2000-2020. Nguồn: VinaCapital
Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội việc làm, các chuyên gia của VinaCapital kỳ vọng, sự phát triển sôi động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển của các công ty sản xuất công nghiệp địa phương, chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các công ty FDI trong trung hạn.
Ngoài ra, mức lương ở Việt Nam thấp hơn 2/3 so với Trung Quốc với chất lượng lao động tương đương là yếu tố chính để thu hút các doanh nghiệp FDI đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Cụ thể, Giám đốc điều hành Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho từng nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam cũng như sự ổn định về chính trị và xã hội là những yếu tố then chốt tạo nên niềm tin cho các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý gần gũi của Việt Nam với các chuỗi cung ứng của châu Á cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. VinaCapital cho biết, các doanh nghiệp FDI cảm thấy rằng tính bảo mật về vấn đề sở hữu trí tuệ của công ty ở Việt Nam an toàn hơn ở Trung Quốc; đồng thời, người lao động Việt Nam đáng tin cậy hơn và nhiệt tình hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh, việc Việt Nam trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do cũng thúc đẩy các công ty FDI rót vốn vào Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam hiện là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả hiệp định RCEP có hiệu lực trong năm nay. Trong đó, động lực chính thúc đẩy các nước tham gia các FTA là các ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu. VinaCapital đánh giá, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP.
"Điều đó cho thấy, các ưu đãi các FTA mang lại trong việc cắt giảm thuế, đặc biệt đối với các FTA mới như EVFTA và CPTPP, sẽ ít tác động đến việc cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thay vào đó, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ được cải thiện và phát triển", báo cáo cho hay.
Theo các chuyên gia của VinaCapital, tất cả các động lực tăng trưởng GDP dài hạn nói trên cũng có ý nghĩa trực tiếp và gián tiếp quan trọng đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Ví dụ, dòng vốn FDI trực tiếp thúc đẩy hoạt động của đất công nghiệp và các doanh nghiệp liên quan, và các nhà quản lý danh mục đầu tư của VinaCapital đã giữ các vị trí trong các nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) trong nhiều năm.
Cuối cùng, do FDI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cá nhân trong nước, nên quỹ VVF của VinaCapital cũng đã đầu tư vào CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) kể từ khi quỹ được thành lập. Từ năm 2014 đến năm 2021, MWG đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận CAGR 33% và dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận hơn 30% trong năm nay.