VinaCapital Group đang mở rộng sang lĩnh vực năng lượng với 3 loại hình đầu tư bao gồm điện khí hóa lỏng (LNG), điện mặt trời và điện gió. Tập đoàn này cho biết đang thưởng thảo với nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như chính quyền địa phương cho mục tiêu phát triển tối thiểu 1 GW (bằng 1.000 MW) điện tái tạo trong vòng 5 năm tới.
Với dự án điện gió, tập đoàn này sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án điện gió sẵn sàng xây dựng, trong khi đầu tư có chọn lọc với các dự án điện gió đang ở giai đoạn đầu.Với điện mặt trời, tập đoàn này đã thành lập công ty SkyX Solar và ký hợp tác với với Saigontel trong việc xây dựng và vận hành chuỗi dự án điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp, resort… Ngoài ra, tập đoàn sẽ ưu tiên đầu tư thêm vào các dự án điện mặt trời đang vận hành và đầu tư có chọn lọc với các dự án đang xây dựng.
Ngoài điện tái tạo, tập đoàn này cũng đang đầu tư lớn cho điện khí LNG, tập trung phát triển các dự án từ sơ khai. Dự án nổi bật nhất đang là nhà máy điện khí hóa lỏng Long An tổng công suất 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành năm 2025.
Đây là một trong những dự án điện lớn nhất miền Nam, có khả năng đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành. Tổng mức đầu tư cho nhà máy và hệ thống kho chứa LNG vào khoảng 3,13 tỷ USD.
Nói về quyết định tự đầu tư điện khí, lãnh đạo VinaCapital cho biết vẫn giữ nguyên mô hình quản lý quỹ. Giai đoạn đầu, VinaCapital sẽ cùng 1 nhà đầu tư chiến lược phát triển dự án. Sau đó, tập đoàn có thể kêu gọi thêm nhà đầu tư để cùng góp vốn và sẽ quản lý quỹ đầu tư mới này. VinaCapital chủ yếu đóng vai trò nhà đầu tư tài chính và đối tác chiến lược đóng vai trò nhà đầu tư chuyên môn.
VinaCapital đầu tư lớn vào dự án điện khí Long An. |
|
Đối tác chiến lược trong dự án điện khí này là GS Energy, một trong những tập đoàn hàng năng lượng đầu Hàn Quốc từng xây dựng gần 10 GW điện khí trên thế giới. Ngoài ra, VinaCapital cũng mới ký kết hợp tác với Bechtel để phát triển các dự án năng lượng tái tạo khác. Đây là nhà thầu xây dựng số 1 tại Mỹ và từng bàn giao 1 GW điện tái tạo.
Năng lượng tái tạo đang phát triển “nóng” tại Việt Nam bởi nhu cầu về điện năng tăng đáng kể nhằm phục vụ cho tăng trưởng của nền kinh tế. Theo tổng hợp từ VinaCapital, nhu cầu điện năng giai đoạn 2020-2022 tăng bình quân 10%/năm trong khi nguồn cung điện chỉ tăng bình quân 8,5%/năm.
Theo ước tính của tập đoàn này, Việt Nam có khả năng thiếu điện vào năm sau với mức khoảng 6 triệu MWh và thiếu 15 triệu MWh vào năm 2023, tương đương với 10% nhu cầu điện năng quốc gia. Do đó để cân bằng cung cầu đến 2030, Việt Nam sẽ cần đầu tư 150 tỷ USD cho ngành năng lượng và đây sẽ là cơ hội cho ngành phát triển mạnh.
Một số nhà đầu tư năng lượng điện lớn tại Việt Nam có kể thế đến như BIM Group, Trung Nam Group, Xuân Thiện, TTVN Group… Trên sàn chứng khoán là các đơn vị như Cơ điện lạnh (REE) đặt tham vọng trở thành công ty năng lượng hàng đầu Việt Nam với mục tiêu vượt mốc 1 GW, Tập đoàn Sao Mai (ASM) có 155 MW điện mặt trời và muốn đầu tư thêm các dự án hàng trăm MW khác…