Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ( Vinachem ) mới đây đã có kiến nghị về việc đánh thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Đây cũng là đề xuất của các doanh nghiệp tư nhân khác trong Hiệp hội phân bón Việt Nam.
Thuế giá trị gia tăng 0% và không đánh thuế giá trị gia tăng đều giúp doanh nghiệp có chi phí thuế đầu ra bằng 0, tuy nhiên nếu như thuộc khung thuế suất 0%, doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra và được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, thì khi chuyển sang thuộc đối tượng không chịu thuế, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất.
Theo đó, quy định này chỉ có lợi đối với phân bón nhập khẩu hoặc những đơn vị sản xuất NPK chuyên dùng nguyên liệu là các loại phân đơn nhập khẩu do không chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngược lại, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế giá trị gia tăng 10% chiếm hơn 50% giá vốn lại bị ảnh hưởng nặng bởi quy định này, do phần thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ mà phải tính vào chi phí sản xuất.
Tại cuộc tọa đàm “Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhà nước : Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/9, ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, chính sách pháp luật nói chung khi đưa vào thực thi có thể cần được điều chỉnh kịp thời và kiến nghị của Vinachem cần được xem xét.
"Chính phủ đánh giá tác động của đề xuất đó từ đó, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật thuế. Luật 71 hiện đang đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện cho giá phân bón giảm và đáp ứng được mong mỏi của bà con nông dân về việc mua phân bón giá hợp lý phục vụ sản xuất", ông Hùng nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ông đồng tình với ý kiến của ông Hùng, tuy nhiên cần cân nhắc thêm do đã có Luật dứt khoát phải làm theo luật, cơ quan quản lý cũng cần nghiêm túc, chấm dứt tình trạng “xin – cho” với nghĩa không hợp lý.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nếu cắt nghĩa chỉ ý kiến của Vinachem đề xuất thì không công bằng với Vinachem, do đây là đề xuất của Hiệp hội Phân bón bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Đề cập tình hình hoạt động sản xuất của 4 dự án thua lỗ của Vinachem trong tổng số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc ngành Công Thương, ông Tiến cho biết, việc cơ cấu sắp xếp phải tôn trọng theo cơ chế thị trường, nhà nước không bỏ tiền vào.
“Cần cắt giảm chi phí, sản xuất với giá thành cạnh tranh, nếu sản xuất không bán được phải cần nhiều giải pháp, không thể chỉ vấn đề thuế. Với Vinachem đây không phải vấn đề căn cơ, cần soi lại chính mình còn cái gì trông chờ nhà nước phải bỏ ngay”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, rất mừng khi 2/4 doanh nghiệp thua lỗ của Vinachem đã hoạt động có lãi hơn. “Một lần nữa khẳng định, doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng. Nếu không cạnh tranh được với tư nhân phải lùi lại, giải phóng nguồn lực để các thành phần kinh tế khác phát triển”, ông Tiến nói thêm.
Liên quan đến 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc Bộ Công Thương, ông Tiến cho biết, việc xử lý 12 dự án rất khó khăn vì chúng ta kiên quyết theo thị trường như vậy có dự án không bán được phải để phá sản, có dự án không khởi động được phải theo hình thức khác.
Ông Tiến cũng cho biết, tiến tới đây quan trọng là doanh nghiệp, bộ ngành phải công khai, minh bạch thông tin có như vậy với đưa ra giải pháp căn cơ. “Ngay cả việc phá sản, giải thể cũng là giải pháp tích cực nếu duy trì lại không hiệu quả”, ông Tiến nói.