Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo tình hình trả nợ vay đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình. Theo đó, Tập đoàn Hoá chất cho biết không thanh toán đủ nợ đến hạn khoản vay đầu tư Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Cụ thể, trong 2 năm 2008 - 2010 Vinachem ký hai hợp đồng vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.340 tỷ đồng và 76 triệu USD (tương ứng 4.7770 tỷ đồng). Dư nợ hai hợp đồng tín dụng này đến ngày 31/8/2018 đạt 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD.
Vinachem cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, số tiền phải trả theo thông báo của VDB bao gồm tiền gốc phải trả, tiền lãi phát sinh trong tháng 9 và gốc, lãi quá hạn chưa trả từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay tổng cộng là 473,3 tỷ đồng và 324.700 USD.
Tuy nhiên, Vinachem mới trả nợ gốc được 50 triệu đồng và 324.700 USD. Số tiền gốc và lãi bao gồm cả nợ gốc và lãi quá hạn, tập đoàn chưa trả 473,25 tỷ đồng.
"Do tình hình tài chính tập đoàn hiện nay rất khó khăn, tập đoàn không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn cho VDB trong năm 2018. Tập đoàn chỉ thu xếp được để trả VDB một phần nợ gốc và lãi vay đến hạn", Vinachem cho hay.
Được biết, Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư với số vốn 667 triệu USD (12.000 tỷ đồng), công suất 560.000 tấn urê cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, nhằm thay thế phân đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về giá và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho toàn miền Bắc.
Đạm Ninh Bình được khẳng định là dự án lớn nhất, sử dụng công nghệ hiện đại nhất châu Âu của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của Vinachem khi đó chỉ có 100 triệu USD và được phía Eximbank Trung Quốc đề nghị cho vay 250 triệu USD với lãi suất 4% một năm, với điều kiện ký kết hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.
Nhà thầu EPC là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc (HQC). Dự án khởi công năm 2008, HQC bàn giao quyền chỉ huy nhà máy vào tháng 9/2012 và được Đạm Ninh Bình vận hành từ đó đến nay.
Kết quả sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình liên tục lỗ. Tổng lỗ lũy kế từ khi Nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2012 - 2014 theo báo cáo tài chính ghi nhận là 1.719 tỷ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch là 694 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, Đạm Ninh Bình cho biết tính tới thời điểm 1/9/2016, Đạm Ninh Bình có khoản vay dài hạn hơn 8.375 tỷ đồng và khoản vay ngắn hạn hơn 1.746 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn lên tới hơn 610 tỷ đồng. Năm 2016, công ty dự kiến lỗ 1.078 tỷ đồng.
Đạm Ninh Bình cho biết, trong trường nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan.
Trước thực tế trên, trong văn bản gửi lên Chính phủ, Đạm Ninh Bình kiến nghị không xếp hạng tín dụng với Công ty, đồng thời cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng cho vay.
Đồng thời cho phép điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm 2017 đến 2021 là 3%/năm. Nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo.