Công ty Cổ phần Vinaconex 39 (mã chứng khoán PVV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, trong quý này, công ty đạt 11,7 tỷ đồng doanh thu thần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 9 % so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời giá vốn bán hàng giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp đạt 4,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 7,8 tỷ đồng của quý 3/2017.
Doanh thu từ hoạt động tài chính không đáng kể nhưng công ty vẫn phải chịu 5,4 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó chủ yếu vẫn đến từ lãi vay. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp dừng lại ở mức hơn 1,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.
Sau khi trừ đi khoản lỗ 1 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác và 1 tỷ đồng chi phí khác, PVV kết thúc quý 3 với khoản lỗ ròng 3,3 tỷ đồng. Đây là quý thứ 11 liên tiếp công ty kinh doanh không có lãi.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, PVV đạt 106,5 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế âm 34 tỷ đồng, tăng 28% về doanh thu và lỗ sau thuế tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kế hoạch đề ra, trong năm nay, PVV dự kiến đạt 256 tỷ đồng doanh thu và lỗ tiếp 18 tỷ đồng. Nhưng với số liệu trong báo cáo quý 3 thì công ty khó lòng đạt được mục tiêu đề ra và án hủy niêm yết vẫn treo lơ lửng.
Tính đến 30/9/2018, tổng tài sản của PVV đạt 1.041 tỷ đồng, giảm 118 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn có 854 tỷ đồng, chiếm 82% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 91 tỷ đồng, lỗ lũy kế tăng lên mức 234,7 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng.
Được biết, từ ngày 22/8/2018, cổ phiếu PVV bị đưa vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ do trong báo cáo tài chính mẹ và hợp nhất bán niên soát xét năm 2018 của công ty được soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Với thị giá 700 đồng/cổ phiếu và thường xuyên mất thanh khoản, vốn hóa thị trường của PVV chỉ khoảng 21 tỷ đồng.