Đầu năm 2018, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã tiến hành cổ phần hóa với rất nhiều mục tiêu được đề ra ra như thu hút vốn đầu tư tạo nguồn lực phát triển Tổng công ty; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông. Đổi mới hình thức sở hữu, tạo điều kiện đổi mới trong quản lý Tổng công ty, làm cho Tổng công ty tự chủ hơn, năng động hơn và trách nhiệm hơn, phù hợp với cơ chế thị trường…
Toàn bộ gần 115 triệu cổ phần đấu giá công khai đã được đặt mua hết cùng với việc chào bán thành công 125 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược T&T Group cho thấy sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp đầu tàu ngành lương thực này.
Tuy vậy hàng loạt những bất cập khiến cho những kỳ vọng khi xây dựng phương án cổ phần hóa đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Một trong số đó là việc hoàn thành quyết toán vốn lần 2 theo tiến độ phải thực hiện vào tháng 1/2019, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được do sự thay đổi cơ quan quản lý từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sang UBQL vốn nhà nước và chưa có sự thống nhất trong công tác sắp xếp các cơ sở nhà đất giữa Bộ Tài chính và UBND TP HCM.
Cổ đông chiến lược T&T Group cho biết đã từng bước hỗ trợ, tham gia vào công tác quản trị, điều hành các hoạt động chung của Tổng Công ty và đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích của TCT (trong đó có cổ đông Nhà nước và các cổ đông khác), tuy nhiên, nhiều kiến nghị đề xuất không được thông qua do cơ cấu thành viên HĐQT cổ đông Nhà nước chiếm tỷ lệ 3/5.
Những vướng mắc như vậy với nhiều vấn đề cố hữu khiến Vinafood 2 gặp khó từ nhiều năm trước như bộ máy cồng kềnh, bộ máy kinh doanh thiếu và yếu, mất khách hàng truyền thống… vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để trong khi rủi ro mất thanh khoản do ngân hàng dừng giải ngân luôn cận kề.
Điều này thể hiện rõ nhất qua chỉ tiêu lợi nhuận: Phương án cổ phần hóa dự tính Vinafood 2 sẽ có lợi nhuận tăng dần đều từ 2017-2020 nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát lỗ cho đến nay dù đã thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu, đổi mới nhân sự HĐQT và ban điều hành. Trong kỳ kế toán đầu tiên khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Vinafood 2 đã trích lập dự phòng một loạt khoản phải thu, tài sản thiếu hụt tồn đọng từ trước khi cổ phần hóa, dẫn tới việc ghi nhận mức lỗ khổng lồ lên tới 1.772 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những khó khăn bất cập trong hoạt động kinh doanh vẫn hiện hữu cộng thêm tác động từ dịch Covid-19 khiến cho tổng lỗ lũy kế của Vinafood 2 đến 30/6/2020 đã lên gần 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ là việc tiếp tục thua lỗ, tình hình tài chính hiện tại của Vinafood 2 còn cấp bách hơn khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã âm 345 tỷ đồng trong khi năm 2019 chỉ tiêu này vẫn dương. Để bù đắp, Vinafood 2 đã tăng vay nợ, dẫn đến dư nợ ngắn hạn tại cuối quý 2 tăng lên 1.739 tỷ so với mức hơn 1.300 tỷ hồi đầu năm.
Nhưng nếu những vấn đề tồn tại lâu nay vẫn không cải thiện được, VNF2 sẽ tiếp tục thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền, dẫn tới rủi ro nghiêm trọng về tính hoạt động liên tục, có thể gây mất thanh khoản, ảnh hướng lớn đến hoạt động kinh doanh, thất thoát vốn nhà nước và tác động tiêu cực tới đời sống của hàng nghìn cán bộ nhân viên.
Với thực trạng ‘bê bết’ như hiện tại, không có một cơ hội rõ ràng về kinh doanh và tương lai có thể nhìn thấy được như trên thì không một nhà đầu tư nào có thể ‘nhắm mắt’ đổ tiền vào VNF2.
Nhìn lại Vinafood 2 với 45 năm hình thành và phát triển, đã từng là anh cả của ngành lúa gạo, gánh trong mình trọng trách an ninh lương thực quốc gia. Vì vậy, tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu bức thiết phải có những thay đổi triệt để, tận gốc thì VNF2 mới có thể quay lại vị thế của mình ngày nào, cũng như đạt được những mục tiêu khi bắt đầu cổ phần hóa đã đề ra. Trong đó, sự quyết liệt của cổ đông Nhà nước và nâng cao hơn vai trò của nhà đầu tư chiến lược là những vấn đề cần đặt ra.