Ghi nhận tại Biên bản ĐHĐCĐ thường niên của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, VIF), cổ đông lại một năm nữa thắc mắc về vấn đề niêm yết cổ phiếu. Nhớ lại, ĐHĐCĐ thường niên 2018 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện. Vì vậy cổ đông tại Đại hội năm nay muốn biết có hay không việc niêm yết cổ phiếu?
Trả lời, ban lãnh đạo Vinafor cho biết ngay sau Đại hội 2018 thông qua phương án niêm yết cổ phiếu lên HNX, Công ty đã cùng tư vấn hoàn thiện hồ sơ đăng ký theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, do đặc thù của sản xuất lâm nghiệp gắn liền với đất đai lâm nghiệp, là tư liệu sản xuất rất quan trọng. Do đó, để tăng tính minh bạch, Vinafor vẫn đang thực hiện rà soát đất đai để công bố đến các cổ đông và nhà đầu tư.
Việc niêm yết cổ phiếu Vinafor chắc chắn sẽ được thực hiện trong thời gian gần, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/9, Vinafor khẳng định.
Được biết, Vinafor chính thức cổ phần hoá vào năm 2016, theo đó Nhà nước hiện nắm giữ 51% cổ phần; Tập đoàn T&T của bầu Hiển là nhà đầu tư chiến lược với 40% vốn điều lệ Công ty.
Được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng Công ty trực thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ, Vinafor hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản với quy mô hoạt động trên toàn quốc. Mặc dù vậy, hàng năm lợi nhuận của Vinafor lại đến từ mảng liên doanh liên kết với hệ thống hàng chục công ty con – công ty liên kết.
Không chỉ công ty liên doanh liên kết, Vinafor còn "hấp dẫn" với tổng diện tích đất phục vụ sản xuất kinh doanh trải dài tại 12 tỉnh, thành phố với hàng chục ngàn ha (bao gồm nông nghiệp và phi nông nghiệp), tập trung tại nhiều khu đất "vàng" tại Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Bình Định….
Đặc biệt, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam - liên doanh giữa VinaFor và Tập đoàn Yamaha Motor - là khoản đầu tư tài chính mang về lợi tức khủng hàng năm. Kết thúc năm 2018, Vinafor đạt lãi ròng 860 tỷ đồng; riêng lợi nhuận từ liên doanh mà chủ yếu là từ Yamaha Việt Nam đã đóng góp tới 762 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về các liên doanh, Tổng Công ty không phủ nhận hệ thống này đã đem lại hiệu quả và chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận Tổng Công ty, trong đó Vinafor có tham gia quản lý, quản trị. Ngoài Yamaha Motor Việt Nam, Vinafor cho biết chi nhánh MDF Vinafor Gia Lai cũng đóng góp phần lớn lợi nhuận Tổng Công ty.
Trước tình trạng con số đóng góp 2018 có sụt giảm so với mức 1.013 tỷ đồng năm trước đó, để duy trì được lợi nhuận từ công ty liên doanh cao thời gian tới, đại diện Vinafor cho biết năm 2019 trở về sau, Tổng Công ty bên cạnh việc duy trì mối quan hệ mật thiết với các liên doanh hiện có, còn mở rộng quan hệ với các đối tác mới trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, sản xuất chế biến và sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Đặt kế hoạch cho năm 2019, Vinafor dự kiến doanh thu thuần hợp nhất 2.762 tỷ đồng và lãi ròng 870 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng mạnh hơn 49% tuy nhiên lợi nhuận lại tăng chưa đến 16%. Mức cổ tức dự kiến 18%.
Ước tính 6 tháng đầu năm, Vinafor đạt doanh thu 792 tỷ đồng, thực hiện 50% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế 502 tỷ đồng, đạt 69% chỉ tiêu.
Ghi nhận giai đoạn sau cổ phần hoá, năm 2017 doanh thu lợi nhuận Vinafor tăng trưởng khá mạnh, tuy nhiên lại có sự sụt giảm vào năm 2018.
Trên UpCOM, cổ phiếu VIF của Vinafor biến động khá mạnh, hiện giao dịch tại mức 19.500 đồng/cp.