Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền TGĐ Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) cho biết, DN này vừa báo cáo Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty thông qua CTCP cảng Hải Phòng đầu tư xây dựng 2 bến cảng container số 3 và 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Cũng theo ông Tĩnh, trước đây, cảng Hải Phòng (đơn vị Vinalines giữ 65% vốn điều lệ) có khu vực Hoàng Diệu là bến cảng chính. Đến nay, khi cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh, TP.Hải Phòng có chủ trương di dời để xây dựng và phát triển đô thị, việc xây dựng các bến cảng mới ở khu vực Lạch Huyện để thay thế và đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa là rất cấp thiết.
"Thời gian trước, Vinalines đã triển khai nghiên cứu, đầu tư hợp phần B - cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện). Tuy nhiên, đơn vị đã chuyển giao giai đoạn khởi động (Bến 1 và 2) của dự án cho TCT Tân Cảng để tập trung công tác tái cơ cấu", ông Tĩnh nói và cho biết, hiện tại, xác định đơn vị đã có đủ nguồn lực thực hiện các dự án tiếp theo.
"Hai bến số 3 và số 4 có tổng chiều dài 750m, có khả năng tiếp nhận tàu có sức chở đến 100.000 DWT (8.000 Teus), khả năng thông qua từ 1 - 1,1 triệu Teus với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng", ông Tĩnh thông tin.
Cũng theo ông Tĩnh, cùng với việc đầu tư cầu cảng mới, Vinalines và cảng Hải Phòng sẽ đẩy mạnh quá trình hợp tác đầu tư và khai thác trung tâm logistics rộng khoảng 250ha để tối ưu hóa hoạt động bốc xếp, lưu kho, chế biến và phân phối ngũ cốc phục vụ nhu cầu khu vực.
"Dự án đầu tư hai bến cảng trên sẽ là bước tiến mang tính chiến lược của Vinalines sau CPH, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc Vinalines sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước và duy trì giữ vai trò là các cảng nòng cốt tại các khu vực Bắc - Trung - Nam", ông Tĩnh nói.
Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã nhất trí cho phép cảng Hải Phòng (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) được đầu tư xây dựng bến số 3 và số 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Theo quy hoạch, khu bến cảng Lạch Huyện sẽ phát triển thành khu cảng hiện đại, là cảng duy nhất ở miền Bắc đón được các tàu mẹ đến 150.000 tấn, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế.