Sữa là ngành chiếm tỷ trọng cao trong nhóm sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG). Năm 2017, giá trị ngành sữa Việt Nam lên tới 105.392 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước. Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì 9%/năm tới năm 2021 và mục tiêu sản lượng sữa tiêu thụ trên đầu người đạt 28 lít sữa vào năm 2020 so với 26 lít/người hiện giờ.
Đánh giá của CTCK BSC cho biết, dù vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng nhưng ngành sữa có thể gặp không ít thách thức trong tương lai khi tốc độ tăng trưởng dân số giảm dần. Thống kê cho thấy, năm 1960, tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam là 3,03% nhưng đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam chỉ còn 1,03%. Điều này khiến dân số Việt Nam dần chuyển từ cơ cấu dân số trẻ thành dân số già, tỷ lệ trẻ vị thành niên ngày càng thấp đi (sữa là nguồn thực phẩm quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong độ tuổi này), từ đó ảnh hưởng đáng kể tới doanh thu ngành sữa.
Tại Việt Nam, Vinamilk là doanh nghiệp có thị phần sữa lớn nhất với 58% (số liệu năm 2017). Với những khó khăn chung của ngành sữa trong tương lai, Vinamilk đang có những bước đi quan trọng để củng cố vững chắc vị thế của mình.
Đẩy mạnh quảng bá, phân phối, duy trì giá bán hợp lý
Những năm qua, Vinamilk liên tục gia tăng nhận biết thương hiệu thông qua các chiến lược marketing nhằm tăng thị phần ngành sữa. Năm 2017, Vinamilk chi 7.673 tỷ (tăng 10%) cho hoạt động khuyến mãi, trưng bày, hỗ trợ khách hàng, R&D ra mắt sản phẩm mới (Sữa tươi 100% Organic, sữa đậu nành hạt óc chó, dự kiến liên kết với Dược Hậu Giang để sản xuất thực phẩm chức năng); 1.991 tỷ cho quảng cáo kênh truyền thống và kênh hiện đại (digital marketing) nhằm tăng nhận diện thương hiệu. Những nỗ lực trên đã giúp Vinamilk giành thêm được 2% thị phần ngành sữa lên 58% trong năm 2017.
Dù vậy, theo BSC thì việc chi lớn vào khuyến mãi không làm doanh thu tăng như kỳ vọng khi tăng trưởng doanh thu 2017 chỉ đạt 9% so với năm 2016 là 17%. Điều này cho thấy chi phí để giữ thị phần ngày càng đắt đỏ.
Một nỗ lực khác của Vinamilk trong việc củng cố thị phần là đẩy mạnh hệ thống phân phối. Hiện tại, Vinamilk có hơn 418 cửa hàng showrooms ở TPHCM và Hà Nội, mục tiêu cho năm 2018 là mở được 500 cửa hàng và chiến lược 5 năm là 1000 cửa hàng.
Ngoài ra, theo BSC thì chiến lược giá là một trong các chiến lược quan trọng và Vinamilk đã thành công trong việc đặt giá bán hợp lý cho người tiêu dùng giúp công ty gia tăng được thị phần sữa. Thống kê cho biết, các sản phẩm Vinamilk có mức giá rẻ hơn so với các đối thủ ngoại nhập với chất lượng tương đương.
Mở rộng thị trường xuất khẩu toàn cầu
Trong quý 1/2018, hoạt động xuất khẩu chiếm hơn 14% doanh thu của Vinamilk. Công ty hiện đang tăng cường xuất khẩu sang 43 quốc gia ở khu vực Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á. Trong đó, thị phần Iraq chiếm tỉ trọng lớn 30%-40% doanh thu xuất khẩu và là bàn đạp xuất cho các nước khu vực Trung Đông, nhưng vì yếu tố bất ổn chính trị nên Vinamilk đã giảm bớt xuất khẩu cho khu vực này. Bên cạnh đó, Vinamilk đang tập trung khai thác các thị trường tiềm năng ở khu vực Châu Phi và đặc biệt là các thị trường khó tính với yêu cầu chất lượng sản phẩm cao như Nhật Bản và Canada.
Vinamilk đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2021 chiếm tỷ trọng 25% doanh thu, tương ứng tăng trưởng xuất khẩu CAGR 14.39% 2017-2021F.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, Vinamilk cũng có chiến lược mở rộng kinh doanh toàn cầu thông qua các deal M&A tiềm năng. Tính tới năm 2017, Vinamilk đã thành công 4 deal M&A với các công ty nước ngoài bao gồm Miraka Limited (nắm giữ 22,81%), Driftwood Dairy Holdings Corporation (100%), Angkor Dairy Products Co., Ltd (51%) và Vinamilk Europe Spostka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia (100%). Năm 2015, Driftwood, Miraka và Vinamilk Europe đóng góp cho công ty 5.691 ngàn tỷ đồng tương đương 14,2% tỷ trọng doanh thu.
M&A trở thành một trong những chiến lược quan trọng giúp Vinamilk gia tăng doanh thu xuất khẩu nhằm đạt được nhanh mục tiêu 25% xuất khẩu năm 2021 khi room tăng trưởng nội địa dần co hẹp lại. Tuy vậy, BSC đánh giá việc tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng để M&A cần nhiều thời gian để thẩm định, thương lượng với lãnh đạo, chưa kể tính pháp lý M&A ở nước ngoài còn nhiều khó khăn.