Tính đến ngày 31/12/2017, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) có 10.953 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng theo kỳ hạn.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM cho biết Vinamilk muốn trở thành công ty đa quốc gia, do đó phải tiến hành đầu tư ra nước ngoài, thực hiện mua bán và sáp nhập. Do đó, Vinamilk phải lập kế hoạch đầu tư săn lùng và tìm kiếm cơ hội để sử dụng có hiệu quả gần 11.000 tỷ đồng này.
Hiện tại, Vinamilk chưa đưa ra được quyết định đầu tư nên mang tiền gửi ngân hàng, lợi nhuận tài chính cũng góp phần hỗ trợ lợi nhuận công ty.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính 2017, lãi tiền gửi của VNM đạt 743 tỷ đồng, chiếm 91% doanh thu tài chính và tăng 20% so với năm trước.
Về việc đầu tư ra nước ngoài, Vinamilk hiện góp vốn vào một số công ty tại New Zealand, Mỹ, Campuchia, Ba Lan. Khoản đầu tư đầu tiên của Vinamilk ra nước ngoài là góp 10 triệu USD vào công ty Miraka Limited (New Zealand) năm 2010, sau đó tăng góp thêm 5,25 triệu USD để sở hữu gần 23% vốn.
Vinamilk cũng mua 70% cổ phần Driftwood Dairy Holdings tại bang Califonia, Mỹ năm 2013 và sở hữu 100% vào tháng 5/2016; nắm giữ 100% cổ phần Công ty AngkorMilk tại Campuchia và 100% vốn tại Vinamilk Europe Spostkaz Ograniczona tại Ba Lan.
Khoản tiền mặt lớn, Vinamilk vay ngân hàng 543 tỷ đồng ngắn hạn và dài hạn, không đáng kể so với tổng tài sản. Khoản vay này bao gồm vay ngắn hạn Wells Fargo 108 tỷ đồng bằng USD, lãi suất 3,94% và vay Agribank 100 tỷ đồng lãi suất 6%; vay dài hạn ngân hàng Sumitomo Mitsui 317 tỷ đồng bằng USD, lãi suất 3,04%. Do đó năm 2017, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái và chi phí lãi vay của VNM là 82 tỷ đồng, bằng 11% lãi tiền gửi.