Là doanh nghiệp sữa đứng đầu thị phần trong nước, những năm gần đây Vinamilk đang mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực, thế giới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng. Ghi nhận, doanh thu mảng xuất khẩu của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3.524 tỷ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Mức tăng trưởng này đánh dấu sự phục hồi đáng kể của thị trường Trung Đông, hiện đang chiếm 85% doanh thu xuất khẩu trực tiếp của Vinamilk.
Bên cạnh đó, Vinamilk đại diện cho ngành sữa Việt Nam tham gia "Chương trình ra mắt sản phẩm sữa Việt Nam tại Trung Quốc" vào tháng 9/2019. Sự kiện này giúp sữa chua của Vinamilk lên kệ siêu thị thông minh Hema tại Trung Quốc.
Mở rộng thị trường xuất khẩu – chiến lược dài hạn của Vinamilk
Với những động thái trên, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định doanh số xuất khẩu tiếp tục đóng góp mức tăng trưởng khoảng 7% cho tổng doanh thu Công ty, với khoảng 8.362 tỷ trong năm 2019 và tăng lên 8.947 tỷ năm tiếp theo; trong đó mở rộng thị trường là chiến lược dài hơi của Vinamilk.
Điểm lại, từ năm 2018, với việc xu hướng tiêu dùng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính là Trung Đông cũng chịu sự tác động chung do các bất ổn chính trị, Vinamilk đã chủ động thay đổi, tập trung vào việc phát triển thị phần trong nước cũng như mở rộng hệ thống xuất khẩu sang các nước trong khu vực và Châu Phi.
Trong đó, hoạt động kinh doanh quốc tế tiếp tục thâm nhập các thị trường quốc tế với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Kết thúc năm 2018, Vinamilk đã xuất hàng đến 40 quốc gia khác nhau thông qua 70 khách hàng. Ba thị trường mới mở trong năm 2018 thuộc khu vực Asean, châu Phi và sự phục hồi của thị trường Trung Đông giúp mảng xuất khẩu của Vinamilk tăng trưởng tốt trong năm 2019.
Thâm nhập Trung Quốc thông qua dòng sữa chua
Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa tại quốc gia này hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu. Dự báo năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750.000 tấn và khoảng 650.000 tấn sữa bột. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Tận dụng cơ hội này, Vinamilk đã tổ chức "Chương trình ra mắt sản phẩm sữa Việt Nam tại Trung Quốc" vào tháng 9/2019. Sự kiện này giúp Vinamilk sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mảng Xuất khẩu khi sản phẩm được phân phối của chuỗi siêu thị lớn như Hema của Alibaba, Dennis Department Store… Vinamilk đặt mục tiêu tăng cơ cấu xuất khẩu sữa lên 25% vào 2021-2022.
Hiện nay, Vinamilk vẫn đang chờ phía Trung Quốc cấp đẩy đủ mã số sản phẩm xuất khẩu, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong quý 4/2019. Trong thời gian đó, Vinamilk vẫn đang xây dựng hệ thống phân phối tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Vinamilk đánh giá thị trường này cạnh tranh rất khốc liệt ở phân khúc sữa nước và sữa bột nên bước đầu sẽ tập trung vào sữa chua mang thương hiệu riêng của thị trường Trung Quốc như sản phẩm cũng sẽ được làm theo khẩu vị người Trung Quốc và mã bao bì được thiết kế hoàn toàn bằng tiếng Trung.
Các công ty con của Vinamilk ở nước ngoài đều tăng trưởng doanh số tích cực trong năm 2018. Cụ thể, doanh thu Driftwood đạt hơn 116,2 triệu USD, tương đương 2.674 tỷ đồng bất chấp các biến động tiêu cực của thị trường Mỹ. Vinamilk Europe đã thu mua và xuất khẩu 21.000 tấn nguyên vật liệu cho VNM và các công ty con khác. Mức doanh thu ghi nhận trong 2018 của Vinamilk Europe gần 30,9 triệu USD, tương đương 711 tỷ đồng. Angkormilk ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt với tổng doanh thu đạt 39,8 triệu USD trong năm 2018, tương đương 915 tỷ đồng (tăng 98,4%).
Trong năm 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Angkor Milk tăng trưởng 35% so với cùng kỳ.
Mặt khác, hoạt động kinh doanh nội địa của Vinamilk cũng đang dần phục hồi. Được biết, Vinamilk chú trọng tăng trưởng sản lượng của một số dòng sản phẩm chủ lực với mức tăng trưởng lên tới hai chữ số. Bên cạnh đó, một số dòng sản phẩm cao cấp cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, phù hợp với chiến lược cao cấp hóa danh mục của Vinamilk. Ngoài ra, Vinamilk đã trúng thầu chương trình Sữa Học Đường Quốc Gia ở hơn 15 tỉnh thành trong 17 tỉnh thành tham gia đấu thầu, góp phần cải thiện thể chất cho trẻ em Việt Nam. Doanh thu thuần của mảng kinh doanh nội địa của Công ty đạt 35.821 tỷ đồng (tăng 5,8%) trong 9 tháng đầu năm 2019.
Điểm đáng chú ý mới đây, Vinamilk đã hoàn tất thâu tóm công ty mẹ sữa Mộc Châu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75% sau khi mua thêm khoảng 79,6 triệu cổ phiếu GTN với mức giá 22.800 đồng/cp, ứng với tổng giá trị gần 1.800 tỷ đồng trong ngày 18/12/2019, ghi nhận bởi PHS. Thương vụ này dự đoán sẽ mang lại lợi ích cho Vinamilk trong dài hạn như gia tăng thị phần và mở rộng quỹ đất vùng nguyên liệu để chăn nuôi bò sữa.