Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) |
PV: Theo thông tin từ Bộ Công thương, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 sẽ có chủ đề là “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”. Đây là năm thứ ba Bộ Công thương xây dựng và ban hành kế hoạch để thống nhất tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) trên toàn quốc. Nhân dịp này, ông có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng Việt Nam?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay, để hưởng ứng chủ đề của Bộ Công thương đưa ra nhân ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2018 (hàng năm được tổ chức vào ngày15/3, bắt đầu từ năm 2015 theo quyết định của Thủ tướng chính Phủ): “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”, tôi hy vọng ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng quan tâm tìm hiểu, nắm vững pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước hết là nắm vững các quyền của người tiêu dùng, cách giải quyết tranh chấp để việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thành công. Đồng thời cũng cần nắm vững các nghĩa vụ khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Là người tiêu dùng có trách nhiệm không chỉ với bản thân và gia đình mà còn với xã hội và đất nước, khi lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến sức khỏe của mình và của người khác. Kịp thời thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ; góp phần vào việc tiêu dùng bền vững.
Quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng, bị xâm hại là do các hành vi kinh doanh trái phép, không lành mạnh gây ra, như sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, các gian lận thương mại trong quảng cáo, trong đo lường và trong các hoạt động dịch vụ. Kinh doanh lành mạnh không chỉ là lời kêu gọi mà còn là đạo đức kinh doanh, lương tâm nghề nghiệp đối với người sản xuất, kinh doanh để không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng mà còn vì sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và sự phát triển ổn định, bền vững cho xã hội và đất nước.
Về phía người tiêu dùng, không phải bây giờ mới có ý thức tự bảo vệ, mà là phản ứng tự nhiên khi quyền lợi bị xâm hại, nhưng chủ yếu mang tính tự phát, chưa có cơ sở pháp lý nên nhìn chung, thành công ít hơn thất bại. Tuy nhiên, ngày nay tình hình đã khác trước rất nhiều. Quyền lợi của người tiêu dùng đã được bảo vệ trên cơ sở pháp luật. Đây chính là cơ sở pháp lý để người tiêu dùng đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình một cách hiệu quả hơn. Nhiều người tiêu dùng đã nắm được pháp luật để tự bảo vệ hoặc thông qua cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.
PV: Ông có thể cho biết tổng kết số lượng đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng năm 2017 gửi về Hội là bao nhiêu? Tỷ lệ tăng, giảm? Lý do tại sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Về kết quả tư vấn khiếu nại, trong 6 năm (2011-2016), Trung ương Hội và các Hội địa phương đã tư vấn giải quyết khiếu nại gần 10.000 vụ. Tỷ lệ thành công trên 80%. Số vụ khiếu nại đến Hội tăng nhanh, năm 2015 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011, năm 2012. Nguyên nhân do ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến Hội. Trong số đó có cả cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Năm 2017 chưa có số liệu toàn quốc. Riêng Văn phòng Tư vấn khiếu nại thuộc Trung ương Hội tại Hà Nội đã tiếp nhận 42 trường hợp khiếu nại bằng văn bản. Trong đó giải quyết thành công 34 vụ, chiếm tỷ lệ gần 81%. Chuyển 5 trường hợp sang các cơ quan có thẩm quyền. Tư vấn cho người tiêu dùng 545 trường hợp qua điện thoại. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thành công khoảng 1.181.417.000 đồng.
Người tiêu dùng thường phản ánh, doanh nghiệp từ chối bảo hành, sản phẩm còn thời hạn bảo hành nhưng bị hỏng, doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, yêu cầu người tiêu dùng trả tiền để được bảo hành. Các trường hợp bán hàng trên mạng internet quảng cáo không đúng, vượt quá công dụng thật của sản phẩm, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như đưa ra thông tin giả tạo là người tiêu dùng trúng giải thưởng được mua khuyến mại giá thấp nhưng khi giao hàng đa số là hàng hết hạn sử dụng và hàng không sử dụng được.
PV: Theo ông, ý nghĩa của chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay: Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững, là gì ?
- Để góp phần vào việc xây dựng một thị trường lành mạnh, đem lại lợi ích cho cả người kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” là thông điệp được đưa ra nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay để nói lên mối quan hệ tương sinh giữa người kinh doanh lành mạnh và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh không tuân thủ pháp luật, gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng thì “Kinh doanh lành mạnh” phải được đặt lên hàng đầu, không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn vì quyền lợi người tiêu dùng và vì quyền lợi của chính nhà kinh doanh.
Tiêu dùng bền vững còn phụ thuộc vào người tiêu dùng. Chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” cũng là thông điệp gửi đến người tiêu dùng trong việc nâng cao kiến thức tiêu dùng để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình cũng như cộng đồng, xã hội.
Chỉ khi nào phát huy được mối quan hệ tương sinh đó mới làm cho kinh tế đất nước phát triển bền vững.
PV: Vậy theo ông doanh nghiệp và người tiêu dùng nên làm gì để phát huy mối quan hệ tương sinh đó?
- Tôi cho rằng thay vì quan hệ đối đầu như suy nghĩ lâu nay của nhiều người, khi cho rằng giữa người kinh doanh và người tiêu dùng là quan hệ đối kháng. Nhưng điều đó chỉ đúng trong những trường hợp kinh doanh không lành mạnh, lừa dối khách hàng.
Nay nên nhìn nhận mối quan hệ này theo hướng tích cực, đó là hợp tác để cùng có lợi. Phía doanh nghiệp cần coi quyền lợi của người tiêu dùng là quyền lợi của chính mình. Từ đó cần chú ý lắng nghe ý kiến người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn thành công khi không chỉ biết lắng nghe mà còn chủ động thuê khảo sát ý kiến người tiêu dùng, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh của mình.
Cũng là xử lý sản phẩm khuyết tật, thay vì tìm cách đổ lỗi cho người têu dùng để từ chối trách nhiệm, cần hợp tác, khắc phục, hình ảnh doanh nghiệp trong con mắt người tiêu dùng sẽ tốt hơn. Việc khách hàng kiện doanh nghiệp ra tòa cũng là cực chẳng đã, nhưng cũng là bài học cần thiết cho thái độ thiếu tôn trọng và hợp tác với khách hàng.
Phía người tiêu dùng, góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh là quyền của người tiêu dùng, hợp tác chính là thái độ xây dựng khi góp ý với doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Anh Trinh - Tùng Lâm