Chiều 18-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) để "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".
Grab từ chối trả lời nhiều vấn đề
CEO Grab Việt Nam cho biết trong ngày có nhiều mức giá thay đổi và cước phí cho chuyến đi được quản lý theo hệ thống. Cước phí được quy định theo đề án thí điểm và có sự thay đổi, khác với taxi truyền thống chỉ tính tiền trên đồng hồ. 4 năm, Grab lỗ 1.700 tỉ !
Grab có những chuyến đi giá 0 đồng trong trường hợp có khuyến mại và Grab sẽ thanh toán cho các tài xế nếu phát sinh cước phí.
"Trong 4 năm, Grab báo cáo lỗ gần 1.700 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 20 tỉ đồng thì Grab lấy tiền ở đâu hoạt động?" - Vinasun chất vấn.
Về vấn đề này, Grab từ chối trả lời và lý giải đây là việc kinh doanh của Grab, nguồn vốn Grab tự huy động và không bình luận.
Ông Jerry Lim (áo đen) - CEO Grab Việt Nam - trả lời Vinasun
Cũng trong phần chất vấn của Vinasun, Grab đã từ chối trả lời đơn vị này đã bao nhiêu lần chia sẻ dữ liệu khách hàng cho các đối tác, công ty bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Grab nói rằng có 170.000 đối tác và các đối tác này đều có thể kiếm ra tiền từ việc lái xe. Grab cũng khẳng định là có tạo ra thị trường mới ngoài thị trường hành khách của các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun - chất vấn Grab
"Chúng tôi tạo ra thị trường mới trên nền tảng công nghệ 4.0, nhiều người sử dụng hệ thống số có thể họ không sử dụng hệ thống taxi truyền thống. Chúng tôi có bằng chứng thể hiện nhiều người không sử dụng xe của họ nữa mà chuyển sang sử dụng xe công nghệ" - CEO Grab Việt Nam thông tin.
Cũng tại tòa, Grab bất ngờ tung ra thông tin Vinasun có từ 3% đến 5% xe tham gia đề án thí điểm. Vấn đề này, Vinasun nói rằng bản thân Vinasun chỉ là doanh nghiệp vận tải taxi, xe du lịch chạy hợp đồng, còn nhượng quyền là thêm mô hình tổ chức của công ty và từ chối trả lời.
"Vinasun tham gia đề án thí điểm để phát triển công nghệ trong thời gian các xe rảnh rỗi, tận dụng khoa học công nghệ để sử dụng xe nhàn rỗi. Vcar là một mô hình của Vinasun tham gia đề án và những xe này là xe du lịch được tận dụng trong thời gian nhàn rỗi" - đại diện Vinasun giải thích.
Lý do khách hàng quay lưng với Vinasun?
Grab nói rằng họ không đồng ý với báo cáo nghiên cứu thị trường về thiệt hại của Vinasun do 2 công ty thực hiện. Bên cạnh đó, Grab cũng đề nghị TAND TP HCM trưng cầu giám định độc lập của Công ty Cửu Long.
Grab cũng viện dẫn từ kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy lý do khách hàng quay lưng với Vinasun là do giá mắc hơn so với các thương hiệu khác; khách chờ lâu, tài xế không thân thiện, xe không sạch sẽ…Cũng theo nghiên cứu, có 86% khách hàng của Vinasun rời bỏ hãng taxi này, chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab.
Đại diện Grab chất vấn Vinasun
Bình luận vấn đề này, Vinasun nói rằng tôn trọng giám định độc lập, nhận xét và kết luận độc lập của Công ty Cửu Long cũng như kết quả nghiên cứu thị trường nguyên nhân khách hàng rời bỏ Vinasun.
Vinasun căn cứ vào kết quả nguyên cứu để yêu cầu bồi thường thiệt hại với lý do xe nằm bãi không kinh doanh, vốn hóa thị trường bị giảm. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân nội tại như: giá xăng tăng, lương tối thiểu tăng. Những vấn đề này Grab bác bỏ vì cho rằng không đủ căn cứ. Grab nói rằng khách hàng có nhiều lựa chọn khác nhau, không đi Grab thì họ có thể di chuyển với xe các hãng khác nếu họ thấy giá cả hợp lý, thuận tiện.
Vinasun khẳng định rằng chính Grab đã tác động nên họ phải chuyển sang hình thức nhượng quyền. Ở hình thức nhượng quyền này, tài xế là đối tác chứ không còn là nhân viên của Vinasun.
Ngày 19-10, phiên tòa tiếp tục.
Vinasun cũng tố Grab khi hãng này từ Singapore sang Việt Nam đã thu hút tài xế của Vinasun với mức thu nhập hấp dẫn, lên đến 40 triệu đồng/tháng, khiến tài xể đồng loạt nghỉ việc sang chạy cho Grab.