Việc Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM yêu cầu Grab bồi thường cho VinaSun 41,2 tỷ, vì những thiệt hại mà doanh nghiệp này gây ra cho VinaSun đang gây ra nhiều tranh cãi.
Và việc thẩm phán Lê Công Toại đưa ra đề xuất ngừng thí điểm dịch vụ Grab, hay mới đây Bộ GTVT trình lên dự thảo quản lý của Nghị định 86 sửa đổi, trong đó đề xuất quản lý Grab như taxi truyền thống đã khiến cho nhiều người đặt ra các câu hỏi về tư duy quản lý của cơ quan chức năng.
Có thể nói VinaSun kiện Grab ra toà vì công ty này gây ảnh hưởng đến kinh doanh là một việc làm văn minh trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, những lý do kiện của VinaSun đến giờ vẫn khiến cho nhiều người không phục, và cách hành xử của cơ quan chức năng đang khiến cho người ta nghĩ rằng mọi thứ đi thụt lùi với sự tiến bộ công nghệ, đặc biệt là khi đất nước đang tiến vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Dường như đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa hiểu được Grab là gì và loay hoay tìm cách định nghĩa nó là một dịch vụ vận tải, mà thực tế ở thời điểm bây giờ Grab là một hệ sinh thái (Eco System). Grab không chỉ có mỗi vận chuyển mà còn có cả dịch vụ thanh toán, giao hàng, giao thức ăn... và tương lai còn tích hợp nhiều dịch vụ khác nữa.
Chính vì thế cơ quan quản lý vẫn tìm cách áp Grab như một dịch vụ vận tải là điều rất khiên cưỡng, trong khi nó là một công ty cung cấp giải pháp công nghệ và ứng dụng thực tế vào các ngành nghề khác nhau trong xã hội.
Thay vì ép buộc Grab tuân theo hình thức quản lý như một dịch vụ vận tải, ở đây cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Phải công nhận Grab là một sự tiến bộ công nghệ và thúc đẩy phát triển nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý tại Việt Nam cần nghiên cứu khoản lỗ 1.700 tỷ đồng mà đơn vị này đưa ra trong 4 năm qua. Bởi một doanh nghiệp báo lỗ mà liên tục mở rộng kinh doanh, ồ ạt khuyến mãi và đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút người dùng là một điều cần lưu tâm.
Đồng thời, cần xem xét nghĩa vụ thuế của Grab đối với các hoạt động tại Việt Nam để không xảy ra tình trạng trốn thuế, lách thuế, cách mà các doanh nghiệp nước ngoài vẫn thường làm khi kinh doanh ở thị trường trong nước. Làm vậy để không bị thất thoát thuế, cũng như khiến các doanh nghiệp trong nước cảm thấy bị đối xử không công bằng.
Bên cạnh đó cần mở ra cho taxi truyền thống những hình thức quản lý phù hợp nếu họ cung cấp dịch vụ như Grab, để họ có thể cạnh tranh công bằng với đối thủ của mình.
Nhưng các hãng taxi truyền thống cần xem lại mình và có những thay đổi nếu muốn cạnh tranh lâu dài trong thời điểm hiện nay. Chính sự trì trệ, cách quản lý yếu kém, bên cạnh đó thái độ khó chịu của tài xế... đã khiến cho khách hàng bỏ dịch vụ của taxi truyền thống đến với Grab.
Bởi thực tế so về mức giá dàn trải của Grab, nếu tính cả giờ cao điểm nhiều lúc còn cao hơn cả taxi truyền thống, tuy nhiên người dùng vẫn chọn dịch vụ của đối thủ thì phải xem lại mình.
Chính vì thế nếu taxi truyền thống mà ở đây là VinaSun vẫn không chịu đổi mới, thay vào đó lại đi kiện những đối thủ tiến bộ hơn về công nghệ là một bước thụt lùi cho sự phát triển kinh tế. Nó đi ngược lại với Chính phủ kiến tạo đang được xây dựng.
Cơ quan quản lý cần nghiên cứu đầy đủ để đưa ra hình thức phù hợp hơn với các dịch vụ công nghệ giống như Grab đang phát triển rầm rộ hiện nay, thay vì áp đặt nó phải tuân theo các hình thức quản lý cũ, lạc hậu, không có sự đổi mới.