Tại cuộc họp bàn về nội dung Dự thảo sửa đổi thay thế Nghị định 86 diễn ra mới đây, Hiệp hội taxi ba miền Bắc - Trung - Nam và các doanh nghiệp taxi truyền thống tiếp tục "tố" Bộ Giao thông Vận tải áp đặt các điều kiện kinh doanh khác nhau, tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai loại hình taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử.
Trong bản tham luận của mình, ông Trương Đình Quý, với tư cách là Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM, đặt nghi vấn: Duy nhất tại Việt Nam, Grab và Uber được gọi là vận tải hợp đồng điện tử. Mặc dù được xếp vào loại hình vận tải hợp đồng nhưng trên thực tế, hơn trăm triệu chuyến xe Grab, Uber thời gian qua không có hợp đồng nào ký kết.
Không tìm được hợp đồng vận tải điện tử. Không xác định được chủ thể ký kết hợp đồng vận tải điện tử là ai? Cho đến tận bây giờ, Uber và Grab đều không xuất trình được hợp đồng vận tải điện tử cho mỗi chuyến xe.
Theo ông Quý, rõ ràng, về mặt bản chất kinh doanh, taxi truyền thống và Grab đều là taxi. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải lại chia thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử để từ đó áp đặt các điều kiện kinh doanh khác nhau, tạo sự bất công trong kinh doanh.
Cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ một đối tượng khách hàng, cung cấp dịch vụ như nhau, nhưng taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt he còn xe hợp đồng điện tử thì không.
"Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đến lần thứ 5, sau mấy năm chuẩn bị vẫn không có gì thay đổi khi trình lên Chính phủ đưa vào hợp thức hoá xe hợp đồng điện tử và hợp đồng vận tải điện tử", ông Quý cho hay.
Lo ngại các doanh nghiệp taxi sẽ phá sản khi ban soạn thảo gia hạn cho phần mềm gọi xe Grab đến ngày 1/7/2020 mới phải gửi đầy đủ dữ liệu nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải qua phần mềm, ông Quý đề xuất nên mở rộng nội hàm của taxi, hợp đồng để bao hàm tiện ích mới chứ không nên bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử.
Cũng theo Phó tổng giám đốc Vinasun, kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 24, số lượng xe đăng ký kinh doanh theo hình thức xe hợp đồng tăng đột biến, từ 177 xe năm 2014 lên đến 34.562 xe cuối năm 2017. Số lượng xe tham gia Grab cả nước trên 70.000 xe cá nhân. Tổng doanh thu vận tải đường bộ của toàn ngành trên địa bàn Tp.HCM năm 2017 giảm 3.600 tỷ đồng.
Về chủ thể tham gia thị trường, trong thời gian ngắn đã hình thành 866 hợp tác xã giấy, bán phù hiệu. Những hợp tác xã này đều nằm trong diện chưa kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ.
Ông Trương Đình Quý còn lo ngại hiện, Grab đã cung cấp vị trí của các tài xế cho Google map để làm dữ liệu tắc đường. Vậy có rủi ro an ninh khi hệ thống hệ thống điều hành vận tải nằm hoàn toàn tại nước ngoài? Dữ liệu cá nhân lái xe, hành khách có thể bị bán phục vụ mục đích thương mại hoặc chính trị.
"Grab hoạt động ở Việt Nam theo kiểu không chính thống. Tự do triển khai các hoạt động kể cả tại các khu vực, các địa bàn, địa phương không nằm trong phạm vi thí điểm", ông Quý nói.
Nêu những về hệ quả mà Grab có thể mang lại, ông Trương Đình Quý khẳng định, Nghị định 86 sửa đổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của ngành vận tải taxi, đến cộng đồng vận tải taxi và cuộc sống của hàng trăm người lao động.
Sẽ hình thành một dịch vụ vận tải chuyên nghiệp, chất lượng cao hay một lực lượng tài xế không chuyên nghiệp, lao động không có đào tạo, không bảo hiểm xã hội và là gánh nặng của xã hội sau này. Không có khả năng tái đầu tư vì hiện nay họ đang ăn mòn vào tài sản của chính mình, không có khả năng trả nợ ngân hàng, trả lãi vay cầm cố nhà cửa đất đai…?
"Xin đừng đổ trách nhiệm lên người đứng đầu Chính phủ, vì người đứng đầu Chính phủ phải tôn trọng tham mưu của các Bộ, ngành. Xin nêu đích danh người ký chốt nội dung văn bản, để khi có vấn đề gì, các doanh nghiệp, người lao động đến để kiện, để đòi bồi thường thiệt hại", ông Quý nói.